Lọc hoá dầu Bình Sơn là đơn vị vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Ảnh: BSR. |
CTCP Lọc hoá dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) vừa công bố nghị quyết về việc thực hiện niêm yết cổ phiếu BSR tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE).
Theo đó, HĐQT sẽ triển khai công việc chốt danh sách cổ đông để lập sổ đăng ký cổ đông với Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSD). Đồng thời, chuẩn bị nộp hồ sơ và thực hiện các thủ tục có liên quan để niêm yết cổ phiếu trong năm 2024.
Lọc hoá dầu Bình Sơn hiện là đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), được giao trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, vận hành sản xuất kinh doanh Nhà máy lọc dầu Dung Quất, nhà máy lọc dầu lớn thứ 2 cả nước.
Trong một báo cáo hồi cuối tháng 6, Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết kế hoạch chuyển sàn đã được BSR ấp ủ từ lâu. Đến nay, khả năng chuyển sàn đang trở nên rõ ràng hơn khi công ty dự kiến nhận được quyết định của tòa về thủ tục phá sản cho công ty Nhiên liệu Sinh học Miền Trung (BSR - BF).
Vào tháng 2, Lọc hóa dầu Bình Sơn đã làm thủ tục gửi lên tòa. Do vậy, Chứng khoán BSC kỳ vọng công ty sẽ nhận được quyết định của tòa trong khoảng quý III khi thời gian xử lý thường mất 4-6 tháng.
Việc để BSR - BF phá sản sẽ giúp BSR xử lý vướng mắc cuối cùng trong 9 điều kiện chuyển sàn là "không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 1 năm".
BSC thậm chí cho rằng việc niêm yết trên HoSE còn giúp cổ phiếu này có thể lọt vào chỉ số VN30 khi chuyển sàn.
Với gần 72.000 tỷ đồng vốn hóa, tương đương 3 tỷ USD, Lọc hóa dầu Bình Sơn hiện là doanh nghiệp có vốn hóa lớn thứ 23 tính trên toàn thị trường. Xét riêng trên HoSE, vốn hóa doanh nghiệp này cũng chỉ đứng sau 19 cái tên.
Kết thúc quý II, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Lọc hóa dầu Bình Sơn đạt lần lượt 24.429 tỷ đồng (-27%) và 769 tỷ đồng (-42%). Đây cũng là kết quả kinh doanh thấp nhất trong nhiều năm qua.
Ban lãnh đạo giải thích trong tháng 3-4, Nhà máy lọc dầu Dung Quất phải tạm dừng để bảo dưỡng tổng thể đợt 5, gây ảnh hưởng đến lượng sản xuất và tiêu thụ.
Bên cạnh đó, giá dầu thô diễn biến phức tạp, giá trung bình giảm từ 90,15 USD/thùng tại tháng 4 còn 82,61 USD/thùng vào tháng 6. Cracking spread cũng giảm so với cùng kỳ, dẫn đến kết quả kinh doanh đi lùi.
Thực tế, đây là mức giảm đã được dự báo trước dựa trên kế hoạch thận trọng mà doanh nghiệp đặt ra tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024. Lũy kế 6 tháng, doanh nghiệp này ghi nhận 55.000 tỷ đồng doanh thu và lãi ròng hơn 1.900 tỷ đồng, hoàn thành tương ứng 58% mục tiêu doanh thu và vượt 64% chỉ tiêu lợi nhuận.