Nhà đầu tư có nên bắt đáy cổ phiếu vừa thoát sàn?

29/11/2022 01:15

Khi cổ phiếu thoát sàn cũng đồng thời kích hoạt dòng tiền bắt đáy từ nhiều nhà đầu tư, bởi họ kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ bật tăng mạnh mẽ sau khi đã chiết khấu rất sâu.

Tiếp đà phục hồi, VN-Index bật tăng rực rỡ trong phiên đầu tuần. Dòng tiền ồ ạt đổ vào thị trường kéo thanh khoản tăng mạnh. Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về bên mua với 836 cổ phiếu tăng giá, trong đó 257 cổ phiếu tăng hết biên độ. Chốt phiên giao dịch ngày 28/11, VN-Index tăng hơn 34 điểm để tiến lên mốc 1.005 điểm. Như vậy, thị trường đã chính thức lấy lại ngưỡng hỗ trợ tâm lý cứng sau gần 1 tháng đánh mất.

Một trong những nhân tố giúp tâm lý thị trường cải thiện mạnh là pha “giải cứu” NVL. Sau chuỗi ngày đằng đẵng “nằm sàn” 17 phiên liên tiếp, cổ phiếu này cuối cùng cũng được giải cứu thành công khi khép phiên đứng tham chiếu.

Khối lượng khớp lệnh lên đến hơn 104 triệu đơn vị với giá trị giao dịch tương ứng hơn 2.000 tỷ đồng, cao thứ 2 trong lịch sử niêm yết của NVL chỉ sau kỷ lục của phiên 22/11. Cú đảo chiều ngoạn mục của NVL đặc biệt gây chú ý, bởi mới đầu phiên lượng dư bán sàn của cổ phiếu này vẫn lên đến hàng chục triệu đơn vị.

Tín hiệu tích cực này xuất hiện sau khi Novagroup mới đây đã bất ngờ đăng ký bán 150 triệu cổ phiếu NVL, tương đương gần 7,7% vốn điều lệ Novaland. Giới đầu tư kỳ vọng việc tìm được đối tác chuyển nhượng 150 triệu cổ phiếu NVL có thể sẽ giúp doanh nghiệp tránh rủi ro về thanh khoản.

Từng là “bộ đôi” đình đám khi cùng trải qua hàng chục phiên giảm sàn liên tiếp, PDR lại không may mắn như NVL khi vẫn chưa thoát khỏi sắc xanh lơ với hơn 40 triệu cổ phiếu chất sàn.

Dù vậy, sau nhiều phiên mất thanh khoản, lực cầu le lói xuất hiện hấp thụ gần 42 triệu cổ phiếu PDR chất sàn cũng là một tín hiệu tích cực cho thấy ít nhất thanh khoản và giá cũng cho thấy đã có người mua và người bán gặp nhau, không còn cảnh giao dịch một chiều. Những tín hiệu này xuất hiện sau khi doanh nghiệp bất động sản tìm được đối tác chuyển nhượng các dự án BDS để giải quyết câu chuyện thanh khoản.

Hàng loạt phiên giảm hết biên độ khiến những cổ phiếu trên đồng loạt “bốc hơi” 70-80% giá trị. Do đó, khi cổ phiếu thoát sàn cũng đồng thời kích hoạt dòng tiền bắt đáy từ nhiều nhà đầu tư. Bởi họ kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ bật tăng mạnh mẽ sau khi đã giảm rất sâu. Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng việc bắt đáy cổ phiếu thoát sàn trong thời điểm này là rất rủi ro và mạo hiểm.

Trong một chia sẻ trước đó, ông Nguyễn Tuấn Anh - Nhà sáng lập FinPeace cũng từng dự đoán, khi những cổ phiếu giảm sàn liên tiếp được “giải cứu” và được vớt hết giá sàn, nhiều người sẽ có tâm lý FOMO lao vào bắt đáy. Bởi họ nghĩ giá cổ phiếu có thể bật tăng trở lại sau thời gian chiết khấu mạnh. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng trường hợp này “cửa thua” vẫn là 50/50, bởi cổ phiếu ngừng rơi không có nghĩa là có thể bật tăng trở lại.

Đồng quan điểm trên, nhưng ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta Việt nam vẫn nhấn mạnh việc bắt đáy còn phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro của mỗi người.

Đối với những nhà đầu tư lướt sóng thì có thể mạo hiểm, song chỉ xem như là “đánh bạc” vì rủi ro vẫn rất cao. Riêng với những nhà đầu tư dài hạn thì không nên vội vàng bắt đáy, vì khi những yếu tố rủi ro chưa được giải quyết triệt để thì giá cổ phiếu vẫn có thể rẻ hơn nữa.

Về bối cảnh chung toàn ngành bất động sản, chuyên gia cho rằng vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn về thanh khoản khi các kênh dẫn vốn đều bị siết chặt. Mặc dù, hiện ngành bất động sản vẫn đang chờ đợi một số giải pháp hỗ trợ thanh khoản của Chính phủ. Tuy vậy, dòng tiền có được chảy vào ngành bất động sản không vẫn là câu hỏi chưa có lời giải.

Về riêng doanh nghiệp, dù đã đưa ra nhiều biện pháp, song áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn còn tồn tại. Hiện tại, dòng tiền vào nhóm này đầu cơ cao, nên rủi ro lớn. Nhìn lại phiên giải cứu NVL bất thành vào 22/11 cũng có rất nhiều nhà đầu tư FOMO bắt đáy và bị “mắc kẹt” với khoản lỗ lớn.

“Tính đến hiện tại, Book value/ giá trị sổ sách của nhiều cổ phiếu đều đã rơi xuống dưới mức 1 lần, nhưng có thể giá cổ phiếu vẫn chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư. Để hấp thụ lực cầu, giá trị sổ sách của những cổ phiếu này có thể xuống 0,5 lần, có nghĩa chiết khấu thêm 50% nữa. Bởi trước nhiều yếu tố bất định thì định giá cổ phiếu có thể bị định giá lại, cổ phiếu giá rẻ vẫn có thể rẻ hơn”, chuyên gia Yuanta nêu quan điểm.

Bạn đang đọc bài viết "Nhà đầu tư có nên bắt đáy cổ phiếu vừa thoát sàn?" tại chuyên mục CHỨNG KHOÁN. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: dautuforum@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.