Xây dựng và bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu trước đối thủ cạnh tranh

19/05/2023 12:30

(THPL) - Ngày nay, người tiêu dùng đã không còn xa lạ với các thương hiệu đình đám như Highlands Coffee, Starbuck, Chanel, Gucci hay Cafe Trung Nguyên, Vinamilk,…Thậm chí chúng ta dễ dàng bắt gặp những hội nhóm trên mạng xã hội Facebook mang tên như: hội những người yêu thích nước hoa Chanel, hội nghiện trà sữa The Alleys…Vậy nhãn hiệu, thương hiệu là gì và các doanh nghiệp có thực sự cần thiết phải xây dựng và bảo hộ thương hiệu của mình?

Thời gian gần đây, Phờ Thìn đang là cái tên được nhắc nhiều những ngày qua khi tranh chấp về quyền sử dụng thương hiệu phở mang tên “Phở Thìn” gây nhiều tranh cãi trên mạng xã hội.

(Tranh chấp thương hiệu Phở Thìn thời gian gần đây. Ảnh minh họa)

Theo tra cứu thông tin tại website của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Phở Thìn 13 Lò Đúc đã nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu với bộ nhận diện mới bao gồm chữ số, hình ảnh nhưng vẫn trong tình trạng "đang giải quyết". Trong khi đó, nhãn hiệu "Phở Thìn" được cơ quan chức năng bảo hộ và ngăn chặn các hành vi xâm phạm cho Phở Thìn Bờ Hồ, đã được đăng ký lại nhãn hiệu và thời hạn hiệu lực đến 26-12-2024.

Hay câu chuyện giữa Vinamilk và Nutifood tranh chấp nhau thương hiệu Grow Plus - sản phẩm dành cho trẻ suy dinh dưỡng thấp còi.

Tháng 5/2015, Vinamilk ra mắt sản phẩm Dielac Grow Plus gặp phản ứng của Nutifood khi đang đã lưu hành sản phẩm tên Grow Plus từ năm 2012. Và rồi, cả hai đều đưa ra cái lý của mình, không bên nào phục bên nào.

(Sữa Grow Plus của Nutifood. Ảnh internet)
(Sữa Dielac Grow Plus của Vinamilk. Ảnh internet)

Về phía Nutifood, doanh nghiệp đã thực hiện tất cả thủ tục pháp lý, đảm bảo mình là chủ sở hữu hợp pháp đối với nhãn hiệu Grow Plus. Trong khi đó, Vinamilk khẳng định, nhãn hiệu Dielac Grow Plus của mình tuân thủ quy định pháp luật khi đưa ra thị trường. Dielac Grow Plus cũng đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu theo quy định. Đến nay, 2 sản phẩm vẫn song hành xuất hiện trên thị trường.

Nhãn hiệu là gì

Theo quy định tại khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định về khái niệm nhãn hiệu cụ thể như sau: Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.

Nhãn hiệu là một loại tài sản. Do vậy, nó có khả năng mang lại lợi ích nếu được người nắm giữ sử dụng một cách hợp lý. Tuy nhiên, khác biệt với các tài sản khác, nhãn hiệu không đi một mình mà phải luôn gắn liền với một, một số hoặc nhiều sản phẩm, dịch vụ tương ứng. Nhãn hiệu thường được thấy nhất là dấu hiệu thể hiện trên sản phẩm, bao bì sản phẩm; hay nói cách khác, nhãn hiệu cũng chính là tên riêng của sản phẩm. Ví dụ nhãn hiệu Honda với sản phẩm là ô tô, xe máy; nhãn hiệu KFC với sản phẩm là gà rán; nhãn hiệu Cocacola với sản phẩm là nước uống có ga;...

(Phân biệt nhãn hiệu và thương hiệu theo Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành)

Thương hiệu là gì

Hiện nay trên thế giới cũng như Việt Nam có nhiều định nghĩa thương hiệu khác nhau. Nhìn chung, có thể hiểu thương hiệu (Brand) là một tập hợp các dấu hiệu vô hình hoặc hữu hình dùng để phân biệt các loại hàng hóa, dịch vụ, là hình ảnh hiện lên trong tâm trí khách hàng mỗi khi nghĩ đến sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp. Vậy thương hiệu không cụ thể là gì, nó có thể tồn tại dưới dạng nhìn thấy được (logo, slogan, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý,...) cũng có thể tồn tại dưới dạng không nhìn thấy được ( âm thanh, mùi vị, phương thức kinh doanh,...). Tập hợp tất cả những yếu tố đó tạo nên hệ thống nhận diện thương hiệu cho doanh nghiệp.

Mối quan hệ giữa thương hiệu và nhãn hiệu

Từ hai khái niệm đã nêu có thể khẳng định thương hiệu và nhãn hiệu là hai đối tượng hoàn toàn khác nhau. Nhãn hiệu là cái hữu hình còn thương hiệu là cái hữu hình hoặc vô hình nhưng có thể cảm nhận được.

Tuy vậy, nhãn hiệu lại là một yếu tố vô cùng quan trọng trong hệ thống nhận diện thương hiệu. Bởi lẽ những dấu hiệu có thể nhìn thấy một cách rõ ràng sẽ giúp khách hàng dễ ghi nhớ hơn những dấu hiệu vô hình phải dùng thời gian, trải nghiệm thực tế để ghi nhớ. Không phải ngẫu nhiêu tất cả các doanh nghiệp khi bắt đầu xây dựng thương hiệu đều trú trọng việc thiết kế logo, nhãn hiệu, slogan,.. sao cho bắt mắt, dễ nhớ, dễ thuộc. Trên phương diện pháp luật, chỉ nhãn hiệu mới được công nhận là một tài sản trí tuệ, có thể được định giá, được chuyển giao, chuyển quyền hay nói cách khác chính là hoạt động li xăng, cho thuê, mua bán nhãn hiệu giữa các chủ thể trong xã hội. Trái lại, thương hiệu có thể đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp nhưng lại không được pháp luật coi là một loại tài sản để doanh nghiệp có thể thiết lập quyền sở hữu với thương hiệu đó.

Mỗi startup, chủ doanh nghiệp cần xây dựng và bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu của mình trước những đối thủ

Hai ví dụ về tranh chấp thương hiệu Phở Thìn, hay Grow Plus giữa Vinamilk và Nutifood ở trên là bài học cho các doanh nghiệp cần phải đăng ký nhãn hiệu và xây dựng, bảo hộ thương hiệu riêng cho mình.

(Cafe chồn Legendee. Ảnh internet)

Hay như việc Trung Nguyên từng quên đăng ký bản quyền thương hiệu cà phê chồn Legendee Coffee và bị mất thương hiệu. Năm 2000, thương hiệu cà phê Trung Nguyên tại Mỹ đã bị Công ty Rice Field đăng ký bảo hộ tại Tổ chức Bảo hộ trí tuệ thế giới. Phải mất 2 năm đàm phán và thương lượng, Trung Nguyên mới lấy lại được thương hiệu và Rice Field nhận làm đại lý phân phối tại Mỹ. Trung Nguyên mất hàng nghìn USD về thương vụ này, ngay sau đó công ty này đã đi đăng ký thương hiệu tại 60 quốc gia khác trên thế giới.

(Ngày Thương hiệu Việt Nam 20/4. Ảnh internet)

Để tránh những tranh chấp thương hiệu, nhãn hiệu thì mỗi startup, doanh nghiệp cần đăng ký bản quyền nhãn hiệu riêng của mình, từng bước xây dựng thương hiệu lớn mạnh và bảo hộ thương hiệu đó bằng chính việc bảo hộ nhãn hiệu. Bởi pháp luật Việt Nam không coi thương hiệu là một loại tài sản có thể thiết lập quyền sở hữu cũng như có quy định xử lý vi phạm đối với thương hiệu. Cách duy nhất để các doanh nghiệp gìn giữ và bảo vệ thương hiệu của mình là thông qua nhãn hiệu - đối tượng được pháp luật cho phép đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Bảo hộ nhãn hiệu là một việc làm cần thiết nếu doanh nghiệp không muốn gặp phải những rủi ro và thiệt hại về lợi ích kinh tế sau này. Nếu nhãn hiệu không được bảo hộ, doanh nghiệp sẽ luôn trong tình trạng bị cướp đi thương hiệu, uy tín, khách hàng mà doanh nghiệp đã mất nhiều công sức để gây dựng. Bảo hộ nhãn hiệu là bước đầu tiên, bước cơ bản, bước quan trọng nhất trong công tác xây dựng và bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp.

Đỗ Khuyến (t/h)

Bạn đang đọc bài viết "Xây dựng và bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu trước đối thủ cạnh tranh" tại chuyên mục DOANH NGHIỆP. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: dautuforum@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.