Sự kiện đánh dấu cho sự phát triển của tỉnh Bình Dương trong hơn 25 năm qua với thành quả đột phá về cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, chính sách thông thoáng, cởi mở, tư duy phát triển không ngừng đổi mới sáng tạo...
Đến dự chương trình có ông Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Tường Văn – Thứ trưởng Bộ Xây dựng; về phía lãnh đạo tỉnh Bình Dương có ông Nguyễn Văn Lợi - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương; ông Nguyễn Hoàng Thao – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Uỷ; ông Võ Văn Minh – Phó Bí thư – Chủ tịch UBND Tỉnh Bình Dương; cùng với các đồng chí lãnh đạo sở ngành trong tỉnh; cùng tham dự chương trình có các vị lãnh đạo 11 tỉnh thành Tây Ninh, Bình Thuận, Thái Bình, Nam Định, Hà Tĩnh, Bình Phước, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa, Nghệ An và Bình Định. Về phía Lãnh đạo Tổng công ty Becamex IDC có ông Nguyễn Văn Hùng – CT HĐQT tổng công ty; ông Phạm Ngọc Thuận – Tổng Giám đốc TCT; về phía Vsip Group có ông TEO BAN SENG – Đồng Chủ tịch VSIP Group, ông Nguyễn Phú Thịnh – Tổng giám đốc và các Thành viên trong Ban TGĐ VSIP Group.
Bình Dương với những thành quả vượt bậc sau 25 năm đổi mới thông quan sự hợp tác giữa Việt Nam và Singapore với mô hình phát triển Công nghiệp – Đô thị - Dịch vụ, đây là mô hình phát triển toàn diện, xây dưng tổ hợp các khu công nghiệp, đan xen với hệ thống đô thị bao gồm đầy đủ các cấu phần về đô thị cao cấp, bình dân, nhà ở xã hội và khu tái định cư, không gian xanh, công viên,… trên nền tảng là hệ thống giao thông bài bản gắn với mô hình TOD, kết nối nội khu, liên huyện và liền vùng, đan xen là hệ thống giáo dục đào tạo các cấp đạt chuẩn quốc tế, hệ thống y tế chất lượng cao.
Phát biểu tại chương trình, ông Võ Văn Minh – Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết: Mô hình phát triển Công nghiệp – Đô thị - Dịch vụ, là một lựa chọn đặc sắc của Bình Dương, đóng vai trò chiến lược, nhằm nâng cấp hệ thống quy hoạch đô thị và hệ thống công nghiệp của tỉnh, cải tạo các đô thị hiện hữu, cải tạo toàn diện hệ thống giao thông, tạo ra bước đệm để lan tỏa công nghiệp thâm dụng lao động và thâm dụng đất đai lên phía bắc, tạo ra dư địa để phát triển thương mại dịch vụ và khoa học công nghệ ở phía nam. Biến phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư như trở thành đòn bẩy để củng cố và phát triển toàn diện về đô thị, kinh tế đô thị và đời sống văn hóa xã hội cho người dân, thay đổi cả bộ mặt của một vùng đất. Đây chính là sự khác biệt, là nguyên nhân Bình Dương có thể phát triển công nghiệp trên diện rộng toàn tỉnh, cũng đã như lan tỏa mô hình của mình ra nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Tổng công ty Becamex IDC đi đầu trong việc thực hiện và triển khai mô hình phát triển Công nghiệp – Đô thị - Dịch vụ khi liên doanh với các đối tác Singapore hình thành ra Công ty Liên doanh Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP). Đây là một bước đi chiến lược với một đối tác uy tín, có kinh nghiệm triển khai các dự án ở quy mô quốc tế, đặc biệt có nhiều kinh nghiệm, uy tín trong công tác thu hút, xúc tiến đầu tư công nghiệp ở quy mô toàn cầu đã giúp Bình Dương học hỏi về cách thức phát triển công nghiệp của Singapore, không chỉ trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng mà còn cách thức xúc tiến thương mại, mở rộng hệ thống tiếp thị và xúc tiến đầu tư của tỉnh ra toàn cầu.
Song song đó, nhận thấy tầm quan trọng của việc hình thành hệ sinh thái bao quanh khu công nghiệp, Lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã tin tưởng giao nhiệm vụ cho Tổng công ty Becamex IDC là chủ đầu tư xây dựng mô hình Khu liên hợp Công nghiệp-Dịch vụ-Đô thị Bình Dương (khu liên hợp) như một mô hình thí điểm cho việc phát triển tích hợp, bao gồm: Khu đô thị, khu công nghiệp, khu thương mại, dịch vụ giải trí chất lượng cao, khu dân cư, tái định cư cho người dân… Các khu công nghiệp của Becamex IDC đã trở thành đòn bẩy để thu hút đầu tư, phát triển thương mại dịch vụ, việc thu hút các nhà đầu tư và người lao động tới Bình Dương tạo ra thị trường cho việc phát triển thương mại và dịch vụ. Các khu công nghiệp tại khu liên hợp được phát triển theo mô hình của Singapore, đạt đầy đủ tiêu chuẩn của Singapore, thân thiện với môi trường, nhờ vậy đã đạt được tỷ lệ lấp đầy cao, thu hút được nhiều ngành công nghiệp sạch.
Bình Dương đã và đang gặt hái được những kết quả từ mô hình Công nghiệp – Đô thị - Dịch vụ, gắn kết với Chiến lược ngoại giao liên thành phố, trên nền tảng triết lý phát triển “Xây dựng một môi trường đầu tư hiệu quả - Xây dựng một xã hội nhân văn hài hòa – Xây dựng một chính quyền năng động kiến tạo”. Qua đó, định hình những chiến lược và chương trình đột phá của tỉnh, làm kim chỉ nam để xây dựng mô hình phát triển của tỉnh xuyên suốt qua các nhiệm kỳ, điều này đã được duy trì và trở thành truyền thống quý báu của Bình Dương, là yếu tố cốt lõi giúp tỉnh vượt qua được những thách thức, hướng tới mô hình phát triển bền vững, vì hạnh phúc và ấm no cho người dân.
Bình Dương không chỉ phát triển thành công các KCN trong địa bàn của tỉnh mà còn nhân rộng mô hình khu công nghiệp đồng bộ, thông minh, xanh, thân thiện với môi trường và hiện đại tại các tỉnh thành bạn. Đến nay đã có 11 KCN Việt Nam - Singapore được triển khai tại nhiều tỉnh thành như Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Nghệ An, Quảng Ngãi, Bình Định…Tại chương trình này Công ty Liên doanh Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) sẽ Ký kết Nghiên cứu - Hợp tác - phát triển công nghiệp với 9 tỉnh thành Tây Ninh, Bình Thuận, Thái Bình, Nam Định, Hà Tĩnh, Bình Phước, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa.
Đồng thời, Tổng công ty Becamex IDC cũng tổ chức ký kết hợp tác chiến lược cùng Tập đoàn Đèo Cả về phát triển hạ tầng giao thông trong thời gian tới. Tập đoàn Đèo Cả là một trong các nhà đầu tư và xây dựng hạ tầng giao thông hàng đầu ở Việt Nam. Sau hơn 35 năm hoạt động, Tập đoàn đã để lại các dấu ấn đặc biệt thông qua các công trình như hầm Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông, Hải Vân 2, cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn và gần nhất là cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Cũng tại sự kiện này UBND Tỉnh Bình Dương đã trao Giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp tại Bình Dương. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và Việt Nam gặp nhiều thách thức nhưng trong Q1 năm 2023, Công ty Cổ phần Phát triển Công nghiệp BW vẫn gọi vốn thành công 300 triệu USD từ các nhà đầu tư quốc tế, tăng tổng vốn đầu tư vào Bình Dương từ 600 triệu USD lên 900 triệu USD, trở thành một trong những nhà đầu tư FDI lớn nhất tại tỉnh Bình Dương. Công ty Cổ phần Phát triển Công nghiệp BW được thành lập vào tháng 05 năm 2018, là liên doanh giữa Warburg Pincus (Quỹ đầu tư tư nhân hàng đầu thế giới); Becamex IDC tập đoàn tiên phong trong lĩnh vực phát triển các khu công nghiệp tại Việt Nam và ESR – quỹ quản lý tài sản lớn nhất Châu Á Thái Bình Dương, quỹ đầu tư bất động sản được niêm yết lớn thứ 3 thế giới. BW hiện là nền tảng bất động sản công nghiệp và hậu cần cho thuê lớn nhất và phát triển nhanh nhất Việt Nam với quỹ đất đắc địa hơn 8,15 triệu m2 tại 37 dự án thuộc 28 vị trí kinh tế chiến lược trải dài trên khắp cả nước.
Tại sự kiện đặc biệt lần này, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ - Lê Minh Khái đánh giá cao cách thức Bình Dương lựa chọn và chuyển đổi mô hình phát triển, vận dụng sáng tạo các mô hình quốc tế vào thực tế của Việt Nam và của riêng Bình Dương, và đặc biệt mô hình này đã lan tỏa ra nhiều tỉnh thành trong cả nước, điều này minh chứng cho sự đúng đắn của nó, vì vậy việc đúc kết và lan tỏa là điều cần thiết vì sự phát triển chung. Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo Bình Dương, cùng lãnh đạo các địa phương ký kết tại chương trình này, cần tiếp tục làm việc sâu sát, trao đổi, xây dựng các chương trình làm việc cụ thể để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng về việc lan tỏa mô hình phát triển của Bình Dương. Các địa phương cần tiếp tục nghiên cứu sâu, cụ thể để áp dụng mô hình này tại địa phương mình, để thu hút nguồn lực, tích lũy hạ tầng, và cải tiến mô hình phát triển của chính mình. Với riêng tỉnh Bình Dương, thời gian qua tỉnh đã làm rất tốt việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch, qua đó thu hút nguồn lực trong và ngoài nước, và tích lũy được một hạ tầng phát triển sâu và rộng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Như việc, Bình Dương đã sáng tạo trong cách làm, lồng ghép việc xây dựng nhiều phân đoạn trên các tuyến đường kết nối vùng như Vành Đai 3, Vành Đai 4 vào các dự án phát triển Công nghiệp – Độ thị - Dịch vụ. Tuy nhiên, Bình Dương vẫn cần tiếp túc đẩy mạnh và quyết liệt hơn nữa để tiếp tục hội nhập và kết nối, nhằm nắm bắt những cơ hội mới, giành lấy lợi thế cạnh tranh và phát triển như cách tỉnh đã làm được 25 năm trước.
Ngô Ngãi