Lương Văn Can và hoài bão về thương giới Việt đủ “đức” lẫn “tài”
Lương Văn Can, một nhà Nho, một chí sĩ thời Pháp thuộc, đã vượt qua định kiến của người Việt cận đại, làm nổi bật vai trò của thương nhân, làm phấn chấn tinh thần của những người làm kinh doanh tại nước ta đầu thế kỷ 20. Triết lý về đạo kinh doanh gồm cả “thương đức”, “thương tài” mà Lương Văn Can để lại vẫn là điều mà thương giới Việt cần học hỏi.
Lương Văn Can sinh năm 1854 ở làng Nhị Khê (nay là xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội) trong gia đình nghèo khó, nhưng ông vẫn cố gắng đi làm để có tiền học chữ nghĩa.
Năm 1874, Lương Văn Can tham dự kỳ thi Hương và đỗ cử nhân, đến kỳ thi Hội thì ông chỉ đậu được nhị trường. Triều đình cử ông làm giáo thụ phủ Hoài Đức (chức quan về giáo dục) nhưng ông từ chối.
Năm 1873, quân Pháp tiến đánh Bắc hà lần thứ nhất, người Pháp muốn Lương Văn Can vào Hội đồng thành phố Hà Nội làm việc cho mình, nhưng ông không chấp nhận. Năm 1879, Lương Văn Can lập gia đình và mở trường dạy học ở số 4 Hàng Đào, Hà Nội.
Trường “Đông Kinh Nghĩa Thục”
Đến đầu thế kỷ 20, người Pháp hầu như đã dẹp được các cuộc khởi nghĩa yêu nước, bắt đầu quá trình khai thác thuộc địa.
Đúng lúc này một nước phương Đông là Nhật Bản đã đánh bại Nga, một đế quốc phương Tây. Tin tức này gây ảnh hưởng rất lớn đến những người yêu nước ở Việt Nam. Nhiều người muốn học theo Nhật, thực hiện cuộc duy tân cải cách.
Năm 1905, Phan Bội Châu sang Nhật, chủ trương phong trào “Đông du”. Năm 1906, Phan Chu Trinh cũng sang Nhật tìm hiểu và hưởng ứng công cuộc duy tân của Nhật Bản. Lúc này ở Nhật Bản phổ biến mô hình trường học “Keio Gijuku” (Khánh Ứng Nghĩa Thục), trong đó “Gijuku” nghĩa là “nghĩa thục” (trường tư vì nghĩa), mô hình này đạt hiệu quả cao ở Nhật.
Từ Nhật Bản trở về nước, Phan Bội Châu cùng Phan Chu Trinh đã bàn bạc với các sĩ phu yêu nước, trong đó có Lương Văn Can. Họ đã phỏng theo mô hình “Keio Gijuku” để thành lập trường Đông Kinh Nghĩa Thục tại Hà Nội.
Tháng 3/1907, Đông Kinh Nghĩa Thục chính thức được thành lập ở số 4 và số 10 Hàng Đào, Hà Nội. Đây đều là trường học và cơ sở mà vợ chồng Lương Văn Can cống hiến cho trường. Đông Kinh Nghĩa Thục lập ra với khẩu hiệu “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”.
Lương Văn Can được cử làm Thục trưởng (tức Hiệu trưởng) của trường. Ông đảm nhiệm việc biên soạn tài liệu, chương trình học lúc ấy ngoài khoa học phổ thông, lịch sử Việt Nam và thế giới, còn giảng về tư tưởng dân chủ, dân quyền, dân sinh, đề cao lòng yêu nước, chấn hưng kinh tế, dùng hàng hóa nội.
Không chỉ vậy, ông còn dùng nhà cửa để dạy học, thu nhập từ việc kinh doanh của vợ chồng ông được dùng để đóng góp cho trường. Ông cùng các giáo viên thời ấy đều dạy học mà không lấy tiền lương, đều vì sự nghiệp chung của dân tộc.
Hoài bão về giới doanh nhân Việt
Lương Văn Can nhìn ra được tầm quan trọng của việc kinh doanh đối với sự phát triển của dân tộc trong thời điểm bị đô hộ bởi người Pháp. Ông đã viết 2 cuốn sách “Thương học phương châm” và “Kim cổ cách ngôn” nhằm truyền bá tư tưởng kinh doanh cho người Việt.
Thời điểm ấy đã là Nho mạt, vì thế người Việt chỉ xem trọng người biết chữ nghĩa chứ không xem trọng thương nghiệp. Trong khi đó sự phát triển về công nghiệp và thương nghiệp trên thế giới đã vượt ngoài sức tưởng tượng của người Việt.
Trong cuốn “Thương học phương châm”, Lương Văn Can nêu rõ vai trò của thương mại đối với sự phát triển kinh tế, đồng thời nêu rõ sự yếu kém thương mại của triều đình nhà Nguyễn.
Lương Văn Can cũng nêu bật lý do việc buôn bán không phát triển được là do những định kiến và sự lạc hậu của người Việt: “Ta không có thương phẩm, không có thương hiệu, không có chữ tín, không có kiên tâm, không có nghị lực, không biết trọng nghề, không có thương học, kém đường giao tiếp, không biết tiết kiệm và khinh hàng nội hóa”.
Còn trong cuốn sách “Kim cổ cách ngôn” nói về đạo đức trong kinh doanh, Lương Văn Can đưa ra quan điểm: “Của cải là sự sống còn của con người. Chính vì vậy khi dùng của cải phải xem nguồn gốc của nó có trong sáng không, có hợp nghĩa không… Nguồn của cải đã trong sáng thì việc chi tiêu phải có đạo, phải tính toán cân nhắc việc nặng, việc nhẹ, việc khoan, việc gấp, việc trước, việc sau. Việc gì nên chi thì chẳng nên kiệm, việc gì cần phải kiệm thì chẳng nên chi…”.
Ông cũng đưa ra bí quyết kinh doanh: “Bí quyết thành công đối với nhà kinh doanh là ở sự trung thực. Nghĩa là nguồn lợi thu về phải theo lẽ tự nhiên, đừng bao giờ vì lợi mà làm điều xằng bậy hoặc phiêu lưu mạo hiểm. Giả dụ như người tích trữ gạo, vải mà lại mong mất mùa lúa, mùa bông thì đó là cái tâm địa ích kỷ, độc ác. Lại có người kinh doanh chuyên mua thừa bán thiếu, làm hàng giả để đánh tráo hàng thật, cũng bởi lòng tham không cùng mà thôi. Xét kỹ ra, người ta giàu nghèo ở tâm đức, ở lòng ngay thẳng, khoan hậu với người, đấy cũng là phép thuật kinh doanh vậy!…”.
Trong thời điểm trọng “sĩ” khinh “thương”, Lương Văn Can khẳng định buôn bán là nghề lương thiện và chân chính. Việc kinh doanh buôn bán không chỉ làm lợi cho cá nhân mà còn mang lợi ích đến cả xã hội. Ông đưa ra phương cách để người Việt làm giàu chân chính. Ông cũng nói: “Nhà buôn cần có đủ thương đức thương tài mới cạnh tranh được với tư bản thế giới”. “Thương đức, thương tài” - hai chữ đó đã gói gọn triết lý về đạo đức kinh doanh cho người Việt học hỏi.
Có thể coi Lương Văn Can là nhà Nho cận đại đầu tiên bàn luận về vấn đề kinh doanh một cách tường tận. Sách của ông được đánh giá cao, đến tận này nay vẫn mang giá trị thiết thực.
Hết lòng vì nước
Bản thân Lương Văn Can và gia đình cũng là những người làm kinh doanh, ông dùng tiền kiếm được để giúp dân, như việc mở trường Đông Kinh Nghĩa Thục.
Số học viên ban đầu của Đông Kinh Nghĩa Thục chỉ có 50 người, sau vài tháng đã lên đến vài nghìn người. Đông Kinh Nghĩa Thục nhanh chóng lan ra các vùng lân cận, tạo nên làn sóng duy tân mạnh mẽ. Người Pháp rất lo sợ ảnh hưởng của Đông Kinh Nghĩa Thục nên đã bắt phải giải tán.
Vợ ông là bà Lê Thị Lễ đã phải bán cửa hiệu Quảng Bình An để trang trải khoản nợ 7.000 đồng bạc Đông Dương của trường.
Năm 1913 xảy ra vụ đánh bom khách sạn Hà Nội do Việt Nam Quang phục Hội tiến hành. Cho rằng Đông Kinh Nghĩa Thục có liên quan, người Pháp đã bắt Lương Văn Can, rồi xử ông lưu đày biệt xứ ở Nam Vang (tức thủ đô Phnôm Pênh của Campuchia).
Năm 1914, con trai thứ hai của Lương Văn Can là Lương Ngọc Quyến bị Pháp bắt và đưa về Hà Nội, mở phiên tòa xử để thị uy. Bà Lê Thị Lễ bị gọi ra tòa. Trước đông đảo dân chúng, bà đã nói: “Từ thuở còn trong bào thai, chúng tôi đã dạy con về tình thương yêu nòi giống. Bởi vậy, các con tôi theo đuổi mục đích cứu nước là hợp đạo lý gia đình và đạo lý đất nước chúng tôi, sao lại gọi là phản loạn”. Rồi bà quay sang nói với con: “Mẹ chỉ mong con xứng đáng là con dân nước Việt đến hơi thở cuối cùng”.
Bị tù đày ở Nam Vang, Lương Văn Can nhận thấy thị trường nơi đây rất thích hợp cho hàng hóa từ Việt Nam. Ông đã liên hệ cho vợ và con cháu dựng lập con đường "xuất nhập khẩu" giữa Hà Nội và Nam Vang rất thành công.
Sau 8 năm bị giam ở Nam Vang, năm 1921 Lương Văn Can được thả, ông trở về Hà Nội, mở trường Ôn Như và tiếp tục viết sách cho đến lúc mất 6 năm sau đó. Trước khi mất, ông dặn các con cháu: “Bảo quốc túy, tuyết quốc sỉ” (Giữ tinh hoa của quốc gia, rửa nhục cho đất nước).
Sau những nỗ lực của Lương Văn Can và Đông Kinh Nghĩa Thục, ở Việt Nam đã xuất hiện những gương mặt kinh doanh nổi trội như “Nhà công nghiệp” Trương Văn Bền ở Sài Gòn, “Vua tàu thủy” Bạch Thái Bưởi ở Bắc kỳ.
Những lý luận của Lương Văn Can vẫn còn phù hợp trong thế kỷ 21, ông được xem là người thầy đầu tiên của giới doanh thương Việt Nam. Ngày nay nhiều tuyến đường và trường học cũng được mang tên ông.
Theo trithucvn.co