Diễn đàn năm nay có chủ đề “Chuyển đổi số Công Thương xanh và bền vững” với sự tham gia của các Lãnh đạo Ban ngành từ Bộ Công thương, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Viện Nghiên cứu chiến lược Bộ Công thương, Cục Công nghiệp, Vụ Khoa học và Công nghệ… cùng sự góp mặt của nhiều chuyên gia đầu ngành về TMĐT và các doanh nghiệp tên tuổi lớn của ngành kinh tế số trong nước và quốc tế như: EY Việt Nam, NielsenIQ Việt Nam, Grab, Lazada, Ngân hàng số Timo…
Theo báo cáo của ngành thương mại điện tử, năm 2022, tổng giá trị hàng hóa giao dịch (GMV) của nền kinh tế số Việt Nam chạm mốc 23 tỉ đô la, tăng 28% so với năm trước. Con số này được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 31% và chạm mốc 49 tỉ đô la vào năm 2025. Báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company công bố ngày 1/11 vừa qua cũng cho biết, Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á hai năm liên tiếp (2022 và 2023) và được dự báo sẽ tiếp tục giữ vị trí này trong năm 2025 (đồng hạng với Philippines).
Phát biểu tại diễn đàn, Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân – Thứ Trưởng Bộ Công Thương cho biết tổng giá trị giao dịch dự kiến đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm ở mức 20% từ 30 tỷ đô la Mỹ vào năm 2023 lên gần 45 tỷ đô la Mỹ vào năm 2025: “Đặc biệt tăng trưởng tổng giá trị hàng hóa trong hai năm tới của kinh tế số Việt Nam sẽ được dẫn dắt bởi lĩnh vực TMĐT. Điều này sẽ tạo bước đà cho kinh tế phát triển, giúp doanh nghiệp lấy đà phục hồi. Và đây cũng chính là thời điểm xây dựng nên những mô hình và chiến lược mới.”
Tại Phiên toàn thể, bên cạnh những chia sẻ từ các lãnh đạo Bộ Công thương và đại diện doanh nghiệp, còn có sự xuất hiện của các gian hàng doanh nghiệp nhằm giới thiệu đến hơn 1000 đại biểu tham gia diễn đàn. Ông Đặng Anh Dũng, Phó tổng giám đốc Lazada Việt Nam khẳng định: “Tại Lazada thì chúng tôi luôn luôn chú trọng mô hình phát triển TMĐT một cách bền vững. Trong đó về cấu phần đầu tư về TMĐT bền vững và logistic bền vững rất quan trọng. Trong năm vừa rồi chúng tôi đầu tư một trung tâm Phân loại mới tại Bình Dương, có công nghệ tối ưu và giúp tối ưu hóa vận hành với tỷ lệ phân loại chính xác lên tới 99% và áp dụng công nghệ mới nhất. Trong sự phát triển đó của logistic đã giúp chúng tôi nâng cao được trải nghiệm người dùng, đặc biệt là rút ngắn thời gian giao hàng.”
Tại khu vực triển lãm còn có sự góp mặt của Timo - Ngân hàng số đầu tiên và tiên phong tại Việt Nam với những sản phẩm độc đáo từ Timostore - sàn thương mại điện tử trực thuộc Timo. Timostore đã mang đến những sản phẩm từ hai bộ sưu tập nổi bật là Timo x Truong Twins và “Love the game you play”. Cùng với đó, Timo cũng đồng hành cùng Đối tác chiến lược Beacon Asia Media gửi tặng những ấn phẩm đầu tiên của tạp chí tài chính Bloomberg Businessweek Vietnam.
Tham gia tại sự kiện, Ông Jonas Eichhorst - Tổng Giám đốc Ngân hàng số Timo chia sẻ: “Timostore là một sàn thương mại điện tử thuộc Timo và được coi như là một bước đi chiến lược giúp Timo khác biệt, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh kinh tế của ngành ngân hàng số hiện nay. Timostore giúp chúng tôi truyền tải những câu chuyện về thương hiệu và dễ dàng kết nối với khách hàng, đặc biệt là các khách hàng trẻ. Bên cạnh đó, Timostore cũng thu hút và bắt tay với nhiều thương hiệu phi tài chính, giúp cho Timo tiếp cận được một lượng khách hàng lớn. Sự hợp tác của Trương Twins hoặc tạp chí tài chính Bloomberg là hai ví dụ mà chúng tôi đã đưa cảm xúc, kết nối và khác biệt để thu hút và có được Brand Love từ khách hàng. Và đó cũng là lí do mà chúng tôi mang đến những sản phẩm trưng bày ngày hôm nay tại sự kiện.”
TS. Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, sẽ phấn đấu đạt 20-25% tỷ trọng đóng góp của kinh tế số, 20-25% mức tăng doanh số bán lẻ thương mại điện tử, 50% tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận hệ sinh thái số và 70% tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ ứng dụng chuyển đổi số.
Năm 2023 và các năm tiếp theo, với đà tăng trưởng mạnh mẽ như trên, thị trường thương mại điện tử và kinh tế số Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa và tạo bước đà cho kinh tế phát triển. Đây cũng chính là thời điểm để nước ta xây dựng nên những mô hình và chiến lược mới, từ đó giúp khôi phục doanh nghiệp và mở rộng thị trường. Các đại biểu tại diễn đàn cũng khẳng định để kinh tế số phát triển xanh và bền vững, cần tăng cường ứng dụng công nghệ trong chuyển đổi số, đẩy mạnh chính phủ điện tử trong các lĩnh vực trọng điểm như năng lượng, sản xuất thông minh, logistic, xây dựng thị trường TMĐT bền vững, thu hẹp khoảng cách số.