ACBS ưu tiên 6 ngành có triển vọng ổn định trong nửa cuối 2025

14/07/2025 20:02

(ĐTCK) Theo ACBS, từ nay đến cuối năm, cùng với các rủi ro vĩ mô, chính sách thuế của Mỹ khiến bức tranh thêm phần bất định, chiến lược là tập trung vào mục tiêu ổn định, ưu tiên các ngành có triển vọng lợi nhuận duy trì tăng trưởng.

Nửa cuối năm 2025, ACBS cho rằng, kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với hai rủi ro lớn. Thứ nhất là xung đột địa chính trị và sự phân cực dẫn tới chiến tranh thương mại kéo dài, gây rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng, đe dọa tăng trưởng. Thứ hai, chính sách tiền tệ thắt chặt với chi phí lãi suất cao trong khi rủi ro nợ công của nhiều quốc gia đang gia tăng.

Trong bối cảnh đó, sự kiện thuế quan ngày 02/04/2025 do chính quyền Tổng thống Donald Trump khởi xướng càng kéo giảm dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu. Cụ thể, IMF hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu còn 2,8% (giảm 0,4% so với dự phóng trước); OECD cũng hạ dự phóng từ 3,3% về mức 2,9%.

“Rủi ro lớn nhất của vấn đề thuế quan là “sự không chắc chắn” trong mỗi quyết sách của Tổng thống Trump. Trong khi, vấn đề đàm phán một cách thấu đáo cần rất nhiều thời gian. Vì vậy, bối cảnh chung này sẽ kéo dài xuyên suốt, ít nhất trong nhiệm kỳ của ông Trump”, ACBS lo ngại.

Trên thị trường tài chính, dòng vốn toàn cầu đang có xu hướng dịch chuyển sang các kênh đầu tư an toàn như vàng, quỹ tiền gửi ngắn hạn hay thị trường chứng khoán có định giá hấp dẫn như EU, Nhật Bản hoặc Đức. ACBS đánh giá, sức mạnh của đồng USD suy yếu tương đối so với nhiều đồng tiền mạnh khác, trong khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ vẫn neo cao do lo ngại về thâm hụt ngân sách và nợ công.

Trong bức tranh nhiều rủi ro bên ngoài, Việt Nam cũng không nằm ngoài tác động, đặc biệt là vấn đề thuế quan. Mặc dù quá trình đàm phán gần đây nhất cho thấy Việt Nam đang duy trì được lợi thế đối với hàng xuất khẩu trong nước với mức thuế quan nguyên tắc là 20% thuế suất; nhưng với thuế 40% hàng trung chuyển, cơ cấu kinh tế mở và tỷ trọng FDI trong xuất nhập khẩu cao khiến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nằm trong rổ bị đe dọa nhiều nhất.

Tuy vậy, ACBS cho rằng nền tảng tăng trưởng của Việt Nam vẫn được duy trì khi Chính phủ tiếp tục theo đuổi chiến lược phát huy nội lực và đa dạng hóa quan hệ ngoại giao.

Chính phủ đang hoạt động tinh gọn và hiệu quả hơn, đề cao vai trò kinh tế tư nhân, ưu tiên thí điểm các ngành công nghệ, trí tuệ nhân tạo. Ngoài ra, việc tham gia vào các hiệp định thương mại song phương và đa phương… là những chiến lược được kỳ vọng sẽ mang tới những đột phá về chất đối với nền kinh tế Việt Nam trong thập kỷ tới.

Nhưng trong ngắn hạn, dù nền kinh tế vẫn được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố như đầu tư công được đẩy mạnh, tiêu dùng nội địa phục hồi tốt, dòng vốn FDI dịch chuyển, nhưng những thách thức trong có thể làm giảm đà tăng trưởng GDP trong 2 quý cuối năm. Điều này khiến nhiều tổ chức quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam xuống trung bình 6,3%, trong đó IMF hạ mạnh nhất xuống 5,2%. Còn ACBS điều chỉnh giảm dự báo GDP xuống 6,5 – 7% (từ mức 7 – 7,5% trước đó).

Về thị trường tài chính, ACBS đánh giá tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang diễn ra đúng hướng, với việc triển khai Nghị định Non-prefunding từ cuối năm 2024 và hệ thống KRX đi vào vận hành từ tháng 5/2025. Dựa trên các tiêu chí của FTSE, khả năng Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp trong kỳ đánh giá tháng 9/2025 là khá cao. Đây sẽ là cú huých mạnh mẽ, thu hút thêm dòng vốn tổ chức nước ngoài và tạo đà tăng trưởng cho thị trường trong trung – dài hạn.

Với triển vọng vĩ mô và các yếu tố tích cực của thị trường, ACBS điều chỉnh dự báo tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết đang theo dõi (chiếm 53% vốn hoá trên HOSE) năm 2025 lên 11,6% so với cùng kỳ. Với vùng định giá cơ sở vẫn xung quanh mức -1 độ lệch chuẩn đến P/E trung vị 3 năm, tương ứng điểm số 1.350 – 1.500. Điểm tích cực là thanh khoản được kỳ vọng cải thiện 20% so với năm 2024, với vai trò nâng đỡ chính đến từ dòng vốn ngoại.

Do đó, chiến lược đầu tư cho nửa cuối năm 2025 của nhóm phân tích là tập trung vào mục tiêu ổn định trước những rủi ro bất định ngày càng lớn từ môi trường vĩ mô thế giới.

ACBS sẽ lựa chọn cổ phiếu thuộc nhóm ngành có triển vọng ổn định gồm: ngân hàng, tiêu dùng, đầu tư công, công nghệ, hoá chất phân bón và bất động sản dân dụng. Trong khi đó, các nhóm ngành được cho là bị ảnh hưởng từ tác động thuế quan gồm: xuất khẩu (dệt may, thuỷ sản, gỗ, cao su), bất động sản khu công nghiệp và logistics.

Bạn đang đọc bài viết "ACBS ưu tiên 6 ngành có triển vọng ổn định trong nửa cuối 2025" tại chuyên mục CHỨNG KHOÁN. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.