Thông tin từ Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết, tính đến 11 giờ ngày 22/7, qua số liệu báo cáo từ doanh nghiệp bảo hiểm, tổng số tiền bồi thường, trả tiền bảo hiểm liên quan đến thiệt hại về người và của do lật tàu Vịnh Xanh 58 dự kiến khoảng 14,27 tỷ đồng.
Đối với bảo hiểm phi nhân thọ, tổng số tiền bồi thường bảo hiểm dự kiến 4,2 tỷ đồng. Trong đó, Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu đối với hành khách và Bảo hiểm tai nạn thuyền viên (Bảo Long) với số tiền bồi thường dự kiến 1,2 tỷ đồng. Bảo hiểm tai nạn hành khách (Bảo Việt đồng bảo hiểm với PTI, MIC, BSH) dự kiến 2 tỷ đồng và Bảo hiểm tín dụng (AAA) dự kiến là 1 tỷ đồng.

Cháu bé may mắn sống sót trong vụ chìm tàu Vịnh Xanh 58
Đối với bảo hiểm nhân thọ, tổng số trả tiền bảo hiểm dự kiến 10,07 tỷ đồng (Bảo Việt 2 tỷ đồng, Generali 4,2 tỷ đồng, Manulife 3,02 tỷ, Dai-ichi 0,7 tỷ, Prudential 0,1 tỷ đồng, AIA 0,05 tỷ đồng).
Theo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm đã chủ động liên hệ với gia đình của người bị thiệt hại để tiến hành bồi thường, trả tiền bảo hiểm.
Tuy nhiên thông tin từ các doanh nghiệp, bảo hiểm cho biết hiện nay các nạn nhân/gia đình nạn nhân vẫn chưa thực hiện các thủ tục nhận quyền lợi bảo hiểm do đang trong quá trình điều trị thương tật, mai táng. Ngoài ra, các doanh nghiệp bảo hiểm khác vẫn tiếp tục chủ động rà soát thông tin khách hàng và sẽ thực hiện ngay các thủ tục giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm (nếu có).
Trong ngày hôm qua (21/7), Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết các đơn vị liên quan đang khẩn trương thực hiện các thủ tục để chi trả quyền lợi bảo hiểm, chung tay chia sẻ nỗi đau với gia đình các nạn nhân.
Theo Hiệp hội Bảo hiểm, tàu Vịnh Xanh 58 đã mua Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu và Bảo hiểm tai nạn thuyền viên tại Công ty Bảo hiểm Bảo Long, chi nhánh Quảng Ninh. Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, đại diện công ty đã có mặt tại hiện trường, phối hợp với các lực lượng chức năng và tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình những người bị nạn.
Cụ thể, ông Nguyễn Ngọc Lân, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bảo Long, kiêm Giám đốc chi nhánh Quảng Ninh cho biết theo hợp đồng đã ký kết với mức trách nhiệm bảo hiểm là 30 triệu đồng/người/vụ. Với 35 nạn nhân đã được xác định tử vong và 4 người còn mất tích, công ty ước tính ban đầu tổng số tiền chi trả cho các trường hợp này vào khoảng 1,2 tỷ đồng.

Hiện trường vụ lật tàu tại Quảng Ninh
Với vai trò của mình, ông Nguyễn Ngọc Lân cho biết công ty mong muốn khắc phục hậu quả sớm nhất và khẳng định chỉ cần có thông tin chính thức từ cơ quan chức năng, đơn vị sẽ chi trả tiền bảo hiểm ngay lập tức (kể cả ngoài giờ hay trong ngày nghỉ) để kịp thời chia sẻ nỗi đau với gia đình các nạn nhân và đồng hành cùng địa phương giải quyết vụ việc.
Đối với những nạn nhân bị thương đang được điều trị, công ty sẽ tiến hành chi trả theo mức độ tổn thương phù hợp với quy định trong hợp đồng bảo hiểm.
Cũng trong ngày 21/7, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã ban hành Công văn hỏa tốc số 896/QLBH-PNT, yêu cầu Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm báo cáo ngay tình hình thiệt hại và công tác bồi thường trong vụ lật tàu Vịnh Xanh 58. Theo đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phải chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan để xác định chính xác thiệt hại về người và tài sản.
Đặc biệt, nội dung công văn nhấn mạnh việc phải thực hiện ngay việc tạm ứng bồi thường, bồi thường và trả tiền bảo hiểm nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm, người thụ hưởng theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm và quy định pháp luật. Bên cạnh đó, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cũng được giao nhiệm vụ phối hợp với các doanh nghiệp để tổ chức hỗ trợ nhân đạo theo quy chế và quy định.