Cách "ứng xử" đối với các nhóm cổ phiếu liên quan đến câu chuyện thuế quan

18/05/2025 20:02

(ĐTCK) Bên cạnh việc đánh giá triển vọng bước tiếp của dòng bank, các chuyên gia sẽ chỉ ra cách "ứng xử" đối với các nhóm cổ phiếu có liên quan đến câu chuyện thuế quan khi câu chuyện này lại lại tiếp tục được nhắc đến cuối tuần qua.

VN-Index có 4 phiên tăng điểm liên tiếp trước khi có phiên điều chỉnh vào cuối tuần. Đặc biệt trong tuần qua, thanh khoản ghi nhận gia tăng mạnh. Tuần qua, chỉ số VN-Index cũng đã test mốc 1.316 điểm, khoảng Gap cuối cùng của đợt giảm mạnh trong tháng 4 khi thông tin thuế đối ứng được công bố. Ông/bà có góc nhìn như thế nào về xu hướng tuần giao dịch mới?

Ông Lương Duy Phước, Giám đốc phân tích, CTCK Kafi

Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ đơn phương áp mức thuế mới với khoảng 150 quốc gia trong vài tuần tới, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đối mặt với những biến động đáng kể. Động thái này cho thấy Mỹ đang chuyển từ chiến lược đàm phán sang áp đặt thuế quan, tạo ra áp lực tâm lý lên nhà đầu tư và khả năng xuất hiện các nhịp điều chỉnh kỹ thuật trên VN-Index. Tuy nhiên, với dòng tiền vẫn duy trì tích cực và nhóm cổ phiếu ngân hàng đang trở lại vai trò dẫn dắt, thị trường có thể giữ được trạng thái ổn định và củng cố kỳ vọng tăng điểm một cách chọn lọc.

Trong ngắn hạn, không loại trừ khả năng chỉ số sẽ kiểm định lại vùng hỗ trợ tâm lý 1.300 điểm nhằm phản ánh sự thận trọng và tâm lý chờ đợi thêm các thông tin rõ ràng hơn về mức độ và phạm vi áp dụng thuế quan.

Ông Lâm Gia Khang – Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS)

Việc dòng tiền bắt đầu quay lại thị trường với thanh khoản cải thiện sau thông tin Mỹ đạt được thỏa thuận thương mại với Anh và hạ nhiệt căng thẳng với Trung Quốc là tín hiệu tích cực hỗ trợ cho thị trường trong ngắn hạn. Tuy vậy, áp lực chốt lời có xu hướng gia tăng khi thị trường vừa trải qua một nhịp hồi phục mạnh và việc thiếu vắng các luồng thông tin hỗ trợ khác khiến chỉ số VN-Index có thể sẽ diễn biến đi ngang và dao động trong vùng 1.290 – 1.320 điểm trong tuần tới.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK VPS

Sau tuần tăng điểm liên tiếp - TTCK cần có khoảng "nghỉ" tích lũy - 1 số phiên điều chỉnh quanh mốc 1.290 - 1.300 điểm cũng cần được tính đến. VN-Index cũng cần giao động tạo nền giá, một số cổ phiếu cũng vận động đồng pha cùng thị trường. Xu hướng tăng điểm trung hạn lại tiếp tục mở ra sau khi VN-Index vượt qua tín hiệu MA200 quan trọng.

Ông Lê Đức Khánh

Ông Lê Đức Khánh

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc phân tích, CTCK Agriseco (AGR)

Sau bốn phiên tăng điểm liên tiếp, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận nhịp điều chỉnh trong phiên cuối tuần. VN-Index đóng cửa tại 1.301 điểm, giảm 0,9% so với tham chiếu. Thanh khoản trên cả ba sàn đạt 23.048 tỷ đồng, thấp hơn 13% so với trung bình 5 phiên và xấp xỉ mức trung bình 10 phiên. Áp lực chốt lời xuất hiện rõ rệt tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt tập trung vào các mã tăng mạnh trong tuần.

Trong tuần giao dịch tiếp theo, chỉ số VN-Index được kỳ vọng dao động trong vùng 1.270–1.320 điểm, phản ánh xu hướng tích lũy ngắn hạn. Dòng tiền có thể tiếp tục luân chuyển giữa các nhóm ngành. Cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là nhóm ngân hàng sau nhịp tăng tích cực gần đây, nhiều khả năng sẽ suy giảm động lực tăng giá. Ngược lại, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ có thể nhận được sự quan tâm lớn hơn từ dòng tiền đầu cơ. VN-Index hiện tiệm cận vùng kháng cự kỹ thuật quanh 1.316 điểm – mức đỉnh ngắn hạn trước nhịp điều chỉnh hồi đầu tháng 4 – và nhiều khả năng thị trường cần thêm thời gian để hấp thụ nguồn cung tại vùng giá này.

Cùng với nhóm cổ phiếu họ nhà VIN, cổ phiếu nhà băng đã chính thức trở lại và tiếp tục được kỳ vọng sẽ dẫn sóng thị trường. Trong ngắn hạn, các ông/bà đánh giá như thế nào với nhóm cổ phiếu ngân hàng?

Ông Lương Duy Phước, Giám đốc phân tích, CTCK Kafi

Nhịp tăng gần đây của thị trường chứng khoán Việt Nam cho thấy sự dẫn dắt rõ nét của nhóm cổ phiếu thuộc hệ sinh thái Vingroup, đặc biệt là VIC, VHM và VRE. Nhóm cổ phiếu này đã đóng góp hơn 70 điểm vào đà hồi phục của VN-Index trong giai đoạn vừa qua, trở thành động lực chính của chỉ số. Tuy nhiên, bên cạnh động lực từ nhà VIN, phần lớn các nhóm ngành chủ chốt khác như ngân hàng, chứng khoán, thép, hay bán lẻ vẫn chưa ghi nhận mức tăng tương xứng và đang ở vùng tích lũy, cho thấy dư địa tăng giá trong các nhịp tiếp theo là còn lớn.

Xét về mặt định giá, nhóm cổ phiếu ngân hàng – vốn chiếm tỷ trọng lớn trong rổ chỉ số VN30 và toàn thị trường – hiện đang giao dịch quanh mức P/B trung bình từ 1.1x–1.3x, thấp hơn đáng kể so với mức bình quân 3 năm gần nhất, trong khi nền tảng tài chính của các ngân hàng vẫn được củng cố vững chắc với CAR cao, chất lượng tài sản được cải thiện và biên lãi ròng (NIM) dần phục hồi nhờ chi phí vốn giảm. Điều này cho thấy nhóm ngân hàng hiện tại đang ở trạng thái định giá hấp dẫn, phù hợp với khẩu vị của cả dòng tiền trong nước lẫn nhà đầu tư nước ngoài.

Một điểm đáng chú ý là dòng vốn ngoại đang cho thấy dấu hiệu tích cực trở lại khi chuyển từ bán ròng sang mua ròng, tập trung vào các cổ phiếu trong rổ VN30, đặc biệt là các mã ngân hàng như VCB, CTG, BID, và MBB. Diễn biến này phản ánh kỳ vọng của khối ngoại vào triển vọng kinh tế vĩ mô ổn định và sức khỏe tài chính của các ngân hàng đầu ngành.

Trong kịch bản thị trường tiếp tục tích cực, nhóm ngân hàng với quy mô vốn hóa lớn, thanh khoản cao và mức độ nhạy cảm thấp với các thông tin bất ổn về thuế quan, có khả năng trở thành tâm điểm dẫn dắt dòng tiền. Thêm vào đó, các yếu tố hỗ trợ như tăng trưởng tín dụng cải thiện, lãi suất duy trì ở mức thấp và kỳ vọng sớm áp dụng các tiêu chuẩn Basel III sẽ là động lực giúp định giá nhóm này có thể được re-rating trong thời gian tới. Đây chính là cơ hội cho nhà đầu tư đón đầu chu kỳ tăng trưởng tiếp theo của thị trường.

Ông Lâm Gia Khang – Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS)

Ngành ngân hàng được kỳ vọng hưởng lợi trong năm 2025 khi NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP. Tuy vậy, tính đến ngày 18.04 tăng trưởng tín dụng toàn ngành vẫn chỉ ghi nhận tăng 4,27% so với cuối năm 2024 – cách khá xa mục tiêu đặt ra. Bên cạnh đó, dữ liệu từ BCTC quý I của các ngân hàng cũng cho thấy tổng nợ xấu của 28 ngân hàng ở mức 266,403 tỷ đồng, tăng gần 16% so với đầu năm.

Ông Lâm Gia Khang

Ông Lâm Gia Khang

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK VPS

Là một trong số ít các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn lại có nhiều cổ phiếu ảnh hưởng, tác động đến chỉ số - Số liệu KQKD quý I và cả năm 2024 tương đối khả quan. Nhóm cổ phiếu ngân hàng đa số sẽ giữ nhịp tăng giảm nhẹ trong biên độ hẹp hơn và cũng khó có sóng tăng rõ nét ít nhất là đến đầu quý III. Đặc điểm giao dịch của nhóm này cũng khá đặc biệt là mỗi khi thị trường có thể "giảm khá" thì nhóm cổ phiếu ngân hàng lại tăng điểm trở lại. Sẽ luôn có các cổ phiếu lớn nào đó đi ngược xu hướng chung ở một số phiên nhất định.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc phân tích, CTCK Agriseco (AGR)

Tôi đánh giá ngành ngân hàng là một trong số ít các nhóm ngành ít chịu tác động trực tiếp từ các biến động liên quan đến chính sách thuế quan. Giá cổ phiếu nhóm ngân hàng cũng thể hiện sự phản ánh kỳ vọng này khi điều chỉnh và thoát sàn sớm hơn so với mặt bằng chung trong giai đoạn thị trường chịu áp lực từ thông tin áp thuế 46%, nhưng cũng đồng thời hồi phục sau thị trường chung khi thông tin Mỹ áp thuế cơ bản 10% cho 90 ngày được phía Mỹ áp dụng.

Trong tuần vừa qua, cổ phiếu ngân hàng ghi nhận mức tăng tương đối vượt trội so với thị trường, dẫn dắt chỉ số VN-Index vượt mốc 1.300 điểm và quay trở lại vùng giá trước thời điểm công bố thông tin áp thuế ngày 02/04. Một số mã dẫn dắt như TCB và MBB thậm chí tiệm cận hoặc vượt đỉnh lịch sử. Tôi cho rằng xu hướng tăng của nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục được duy trì. Tuy nhiên, áp lực chốt lời có thể gia tăng trong tuần tới khi nhiều cổ phiếu đang tiệm cận vùng giao nhau giữa đường trung bình động 50 ngày và 200 ngày – một ngưỡng kỹ thuật có tính chất quyết định. Diễn biến tại vùng này có thể đóng vai trò là phép thử quan trọng, định hình xu hướng tiếp theo của cả nhóm ngành ngân hàng và thị trường chung, bao gồm khả năng tiếp diễn đà tăng, bước vào pha tích lũy, hoặc hình thành đỉnh đảo chiều.

Thị trường chứng khoán thế giới đã phản ứng tích cực khi các cuộc đàm phán thương mại đã đạt được những bước tiến quan trọng trong nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng. Dù đã dịu bớt căng thẳng nhưng nỗi lo thuế quan vẫn đang treo lơ lửng. Ở khía cạnh nhà đầu tư, thời điểm này cần “ứng xử” như thế nào với các nhóm cổ phiếu liên quan đến câu chuyện thuế quan, theo các ông/bà?

Ông Lương Duy Phước, Giám đốc phân tích, CTCK Kafi

Các diễn biến xoay quanh chính sách thuế quan của Hoa Kỳ hiện nay vẫn đang tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định và khó đoán định. Dù một số tín hiệu đàm phán đã xuất hiện, đặc biệt là các thỏa thuận mang tính tiền đề với các đối tác lớn, nhưng lộ trình cụ thể và mức thuế áp dụng cuối cùng với hàng hóa từ Việt Nam vẫn chưa được làm rõ. Trong bối cảnh đó, việc định lượng tác động thực sự của chính sách thuế quan đến kết quả kinh doanh của từng doanh nghiệp là tương đối mơ hồ, đặc biệt khi các doanh nghiệp hoạt động trong chuỗi cung ứng toàn cầu có cơ cấu xuất nhập khẩu đa dạng và phụ thuộc vào nhiều yếu tố trung gian.

Ông Lương Duy Phước
Ông Lương Duy Phước

Trong ngắn hạn, thị trường đang ghi nhận một đợt vận động tích cực của nhóm cổ phiếu liên quan đến thuế quan, đặc biệt là các doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu lớn sang Hoa Kỳ hoặc có chuỗi cung ứng gắn liền với thị trường này như dệt may, thủy sản, gỗ và logistics. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc các doanh nghiệp nhập khẩu tại Mỹ đang tranh thủ đẩy mạnh nhập hàng trước thời điểm kết thúc giai đoạn hoãn áp thuế 90 ngày. Điều này giúp duy trì đơn hàng và sản lượng ngắn hạn, từ đó phản ánh tích cực vào giá cổ phiếu của các doanh nghiệp trong các ngành kể trên.

Tuy nhiên, trong quá trình nắm bắt các cơ hội ngắn hạn từ diễn biến thị trường, nhà đầu tư cũng cần có cái nhìn thận trọng đối với nhóm cổ phiếu chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi thuế quan. Tính nhạy cảm cao với các tin tức quốc tế và chính sách thương mại khiến nhóm này thường xuyên biến động mạnh theo thông tin – cả tích cực lẫn tiêu cực – từ phía Hoa Kỳ. Các đợt tăng giá có thể đến nhanh, nhưng cũng có nguy cơ đảo chiều mạnh nếu bối cảnh chính sách thay đổi hoặc kỳ vọng thị trường không được hiện thực hóa.

Do đó, chiến lược hợp lý hiện tại nên là kết hợp giữa tận dụng sóng tăng ngắn hạn nhờ yếu tố kỹ thuật và dòng tiền, đồng thời chủ động quản trị rủi ro thông tin bằng cách giới hạn tỷ trọng đầu tư hoặc ưu tiên các doanh nghiệp có năng lực điều chỉnh linh hoạt hoạt động kinh doanh khi môi trường chính sách thay đổi. Trong giai đoạn thị trường thiếu sự chắc chắn từ yếu tố vĩ mô như hiện nay, sự thận trọng chính là yếu tố sống còn trong việc bảo vệ thành quả đầu tư.

Ông Lâm Gia Khang – Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS)

Đối với các nhóm ngành bị ảnh hưởng bởi tin tức thuế quan, dự kiến tác động tiêu cực đối với các nhóm ngành xuất khẩu cũng sẽ khác biệt dựa vào mức thuế đang bị áp dụng trước thời điểm Tổng thống Donald Trump đưa ra tuyên bố về thuế quan đối ứng vào ngày 3/4.

Với nhóm ngành chỉ chịu tác động trung lập như nhóm bất động sản khu công nghiệp, nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục nắm giữ và bám sát các tin tức mới nhất về hoạt động đàm phán liên quan đến thuế quan đối ứng của Mỹ do dòng vốn FDI trong ngắn hạn vẫn đang chảy mạnh vào Việt Nam, với thu hút FDI trong 4 tháng đầu năm đạt 13,82 tỷ USD, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài.

Nhà đầu tư cũng có thể tiếp tục nắm giữ các cổ phiếu nhóm thép và dệt may. Với ngành thép, các doanh nghiệp đã bị áp thuế suất 25% từ năm 2018; do vậy, việc các sản phẩm thép từ các quốc gia cùng chịu mức thuế suất như nhau khi xuất vào thị trường Mỹ sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng hơn. Trong khi đó, các doanh nghiệp dệt may đã có nhiều kinh nghiệm chuẩn bị các chiến lược phòng ngừa khi từng trải qua cuộc căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vào năm 2018 và chênh lệch thuế suất giữa hai thị trường là tương đối thấp, khoảng 2 - 3%.

Với các nhóm ngành dự kiến chịu tác động tiêu cực với mức độ rủi ro cao hơn như thủy sản, gỗ, nhà đầu tư được khuyến nghị tiến hành cơ cấu danh mục và tập trung vào các nhóm ngành được sự hỗ trợ từ chính sách kích cầu tiêu dùng trong nước như bán lẻ, đầu tư công.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK VPS

Sẽ có những cổ phiếu ảnh hưởng ít hơn bởi tác động thuế quan nhưng các nhà đầu tư đừng quên đằng sau các DN cũng có những triển vọng KQKD, sức mạnh tăng trưởng hoặc ở mức định giá không quá cao.

Rõ ràng, NĐT cần kiểm tra thêm thông tin về tình hình các đơn hàng, số lượng hàng xuất khẩu hay kể cả nhập khẩu hay hàng hóa bị đánh thuế cụ thể, chưa nói đến việc chúng ta đầu tư ít hay mua nhiều những doanh nghiệp "nhạy" với chính sách như BDS KCN, thủy sản, cao su tự nhiên, đồ gỗ, thép... phương pháp tiếp cận đúng đó chính là quản lý danh mục đầu tư tổng thể - có thể kiểm soát tỷ trọng thấp những cổ phiếu liên quan đến câu chuyện thuế quan hoặc có thể lựa chọn cổ phiếu ngành khác ít ảnh hưởng hơn như tiện ích, hóa chất, cảng biển, xây dựng xây lắp.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc phân tích, CTCK Agriseco (AGR)

Diễn biến giá của các cổ phiếu thuộc các ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách thuế quan bao gồm khu công nghiệp, cao su, thủy sản và dệt may, nhìn chung kém tích cực hơn so với thị trường. Phần lớn các mã trong nhóm này chưa phục hồi về vùng giá trước ngày 02/04, cho thấy tâm lý thận trọng và mức độ chấp nhận rủi ro thấp của nhà đầu tư đối với nhóm ngành này.

Mặc dù một số doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh quý gần nhất tích cực và tác động thực tế từ chính sách thuế có thể không quá nghiêm trọng, xu hướng chấp nhận rủi ro thấp vẫn diễn ra trên diện rộng do yếu tố tâm lý. Điều này có thể mở ra cơ hội tích lũy trung hạn ở vùng giá hợp lý, đặc biệt đối với các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt.

Khuyến nghị cách ứng xử với cổ phiếu: Với danh mục ngắn hạn, nên hạn chế gia tăng tỷ trọng hoặc duy trì vị thế lớn do rủi ro biến động giá mạnh vẫn còn hiện hữu. Với danh mục trung hạn, có thể xem xét mua vào trong các nhịp điều chỉnh, ưu tiên các cổ phiếu có nền tảng tài chính lành mạnh, biên lợi nhuận ổn định và năng lực cạnh tranh rõ rệt ở cả thị trường xuất khẩu và nội địa.

Ông Nguyễn Anh Khoa

Ông Nguyễn Anh Khoa

Thị trường trong giai đoạn vừa qua có thể chia làm hai nhóm, một nhóm đã lấy lại phần lớn đà giảm trong tháng 4 (đại diện như cổ phiếu nhóm ngân hàng, hóa chất, logistics…) và nhóm thứ hai là những cổ phiếu giảm sâu, tạo đáy như nhóm công nghệ, Viettel, chẳng hạn như FPT, CTR. Vậy, chiến lược chọn cổ phiếu đã tăng để tìm đỉnh mới hay chọn nhóm những cổ phiếu chưa tăng chờ phục hồi phù hợp hơn ở giai đoạn này?

Ông Lương Duy Phước, Giám đốc phân tích, CTCK Kafi

Cách hiểu của giới đầu tư về rủi ro thuế quan đã rõ ràng hơn, Kafi đưa ra quan điểm thị trường khó có nhịp biến động giảm lớn với rủi ro thông tin liên quan sự kiện trên như thời điểm đầu tháng 4. Song, đa số chiến lược đầu tư của dòng tiền lớn, các quỹ sẽ ở trạng thái phòng thủ trước điều hướng chính sách khó đoán định của TT. Trump trong hạn hoãn 90 ngày này.

Độ rộng thị trường vẫn đang ở trong trạng thái phân hóa cao ở các nhóm ngành dù VNIndex đã tiệm cận về đỉnh cũ (~1340 điểm); khó tạo đà tăng bền vững trung hạn nếu như các trụ lớn (nơi trú ẩn của dòng tiền) như Chứng khoán, Bất động sản, Thép thiếu sự đồng thuận. Động thái tích cực nhất của thị trường trong ngắn hạn đến từ việc Khối ngoại mua ròng đột biến, và mua tại những vùng giá sau khi VNIndex đã hồi phục nhiều tuần liên tiếp. Cần thêm thời gian theo dõi động thái mua ròng này có được duy trì hay không, sẽ phản ánh phần nào cách đánh giá từ dòng vốn ngoại về rủi ro hệ thống hiện tại.

Dựa trên môi trường đầu tư như vậy, Kafi ưu tiên lựa chọn chiến lược tìm kiếm cổ phiếu vượt trội hơn thị trường chung, tức nhóm đã phục hồi tiệm cận về đỉnh (chiến lược đánh theo xu hướng – momentum). Tuy nhiên, về cách hành động, NĐT chỉ nên bám sát các chiến lược ngắn hạn, sẵn sàng xử lý vị thế vì vùng giá mua hiện tại không còn an toàn, và lưu ý tỷ trọng vừa và nhỏ trong trường hợp mới bắt đầu điểm mua mới. Nhóm cổ phiếu còn vận động ở vùng đáy là nhóm vừa thiếu yếu tố cơ bản hỗ trợ, vừa thiếu yếu tố thị trường về dòng tiền sẽ rất khó kiếm hiệu suất sinh lời trong bối cảnh này.

Ông Lâm Gia Khang – Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS)

Nhà đầu tư nên ưu tiên lựa chọn các cổ phiếu có triển vọng hồi phục và sức chống chịu tốt trước các rủi ro thương mại gia tăng trong năm 2025. Trên thực tế, nhóm cổ phiếu công nghệ không ghi nhận sự hồi phục trong thời gian qua chủ yếu xuất phát từ định giá đã trở nên quá cao so với mặt bằng chung của toàn thị trường, đồng thời cũng đối diện với áp lực cạnh tranh gay gắt hơn khi có sự xuất hiện của các công nghệ mới với chi phí cạnh tranh, ví dụ như DeepSeek của Trung Quốc.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích, CTCK VPS

Có lẽ việc nắm giữ 1 danh mục cổ phiếu đa dạng từ nhóm phòng thủ đến những cổ phiếu có KQKD tốt tiềm năng và định giá hấp dẫn cho dù đó là cổ phiếu đang tăng vượt đỉnh hoặc chưa tăng. Vẫn là những cổ phiếu cụ thể với tỷ trọng mua nhiều hay ít.

Nhìn chung, cơ hội đầu tư giai đoạn này đã nhiều hơn so với giai đoạn tháng 4 khi mà chiến lược Buy In May đã thể hiện hiệu quả - ngay khi mà TT điều chỉnh sâu thì cơ hội mua giá thấp đặc biệt là các chiến lược mua đầu tư với tầm nhìn dài sẽ đôi khi hiệu quả hơn cả việc giao dịch ngắn hạn. Nhóm cổ phiếu cảng biển, hóa chất, tiện ích, năng lượng, tài chính, xây dựng, vật liệu vẫn là những nhóm cổ phiếu ưu tiên cao.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc phân tích, CTCK Agriseco (AGR)

VN-Index hiện đang tiệm cận vùng kháng cự tâm lý quanh mốc 1.316 điểm – khu vực từng ghi nhận áp lực bán mạnh trong giai đoạn đầu tháng 4. Đây có thể là vùng phát sinh các nhịp rung lắc hoặc điều chỉnh trong ngắn hạn.

Nhóm cổ phiếu đã tăng nhanh trong thời gian qua, đặc biệt thuộc các ngành ngân hàng và logistics, nhiều khả năng sẽ chịu áp lực chốt lời khi tiệm cận vùng đỉnh cũ. Trong khi đó, dòng tiền đang có dấu hiệu dịch chuyển sang các nhóm cổ phiếu đã tạo đáy và có mức chiết khấu sâu, điển hình như nhóm công nghệ và viễn thông. Tuy nhiên, khả năng tăng giá của từng mã sẽ phụ thuộc lớn vào yếu tố cơ bản và triển vọng tăng trưởng. Những cổ phiếu thiếu nền tảng nội tại hoặc không có yếu tố hỗ trợ cụ thể sẽ khó thu hút dòng tiền một cách bền vững.

Để tối ưu hoá lợi nhuận, nhà đầu tư có thể kết hợp linh hoạt các chiến lược đầu tư phù hợp với từng nhóm cổ phiếu. Các nhà đầu tư trung, dài hạn có thể ưu tiên nhóm cổ phiếu đang ở nền giá hấp dẫn, có nền tảng cơ bản tốt và kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2025 như các cổ phiếu thuộc nhóm công nghệ.

Đối với các nhà đầu tư ngắn hạn, việc lựa chọn các cổ phiếu đang thu hút dòng tiền, có sức mạnh giá và tín hiệu kỹ thuật tốt có thể nhanh chóng mang lại tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng. Tuy nhiên, khi thị trường đang tiến sát đến các vùng kháng cự quan trọng, việc lựa chọn các cổ phiếu đã tăng nhanh trong thời gian qua có thể tiềm ẩn rủi ro ngắn hạn, đặc biệt khi tâm lý thị trường trở nên thận trọng và dòng tiền chưa đủ mạnh để nâng đỡ mặt bằng giá chung. Do đó, thay vì lựa chọn điểm mua ở vùng giá cao, nhà đầu tư nên ưu tiên giải ngân khi các cổ phiếu lùi về các mốc hỗ trợ quan trọng, giúp tạo dư địa tốt hơn để quản trị rủi ro trong bối cảnh thị trường còn nhiều biến động.

Bạn đang đọc bài viết "Cách "ứng xử" đối với các nhóm cổ phiếu liên quan đến câu chuyện thuế quan" tại chuyên mục CHỨNG KHOÁN. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.