Ngày 14/6, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật Công nghiệp Công nghệ số (CNCNS) với 441/445 tán thành (tỷ lệ tán thành 92,26%).
Theo Tiến sĩ Jeff Nijsse, giảng viên cấp cao ngành Kỹ thuật phần mềm, Khoa Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ, Đại học RMIT Việt Nam, với việc Quốc hội thông qua Luật Công nghiệp công nghệ số (có hiệu lực từ ngày 1/1/2026), Việt Nam chính thức hợp pháp hóa việc sở hữu và sử dụng tài sản mã hóa. Dấu mốc này đã chấm dứt tình trạng nhiều năm mơ hồ về mặt pháp lý và ước tính khoảng 17 triệu người Việt Nam hiện đang nắm giữ tài sản mã hóa sẽ được công nhận và bảo vệ chính thức theo pháp luật.

Tiến sĩ Jeff Nijsse, giảng viên cấp cao ngành Kỹ thuật phần mềm, Khoa Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ, Đại học RMIT Việt Nam
Tài sản mã hóa thoát khỏi vùng xám pháp lý
Tiến sĩ Jeff Nijsse cho biết, luật mới lần đầu tiên đưa ra định nghĩa pháp lý cho "tài sản số", phân loại thành hai nhóm chính gồm "tài sản ảo" và đáng chú ý là "tài sản mã hóa". "Tài sản mã hóa" là hạng mục bao trùm cho tiền mã hóa, với chức năng tài chính rõ ràng và hoạt động trên chuỗi khối (blockchain) riêng. Những tài sản này được định nghĩa là sử dụng công nghệ mã hóa để xác thực trong quá trình tạo lập, phát hành, lưu trữ và chuyển giao.
"Như vậy, các loại tiền mã hóa phổ biến như Bitcoin (BTC) và Ethereum (ETH) hoàn toàn phù hợp với định nghĩa "tài sản mã hóa" vì chúng được coi là có chức năng tài chính và sử dụng công nghệ mã hóa. Cách phân loại này giúp hàng triệu nhà đầu tư tại Việt Nam tin tưởng rằng những tài sản này không còn phải nằm trong vùng xám về mặt pháp lý", chuyên gia của Đại học RMIT nhận định.
Trong khi đó, "tài sản ảo" có thể được hiểu là bao gồm các tài sản kỹ thuật số như điểm thưởng hoặc vật phẩm ảo trong game, vốn không thực sự có chức năng tài chính. Sự tách biệt này rất quan trọng để tạo ra quy định có mục tiêu và hiệu quả.
Đáng chú ý, luật mới không coi các loại stablecoin được neo theo tiền pháp định và tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành (CBDC) là tài sản mã hóa. Những loại tiền này sẽ vẫn tuân theo các luật dân sự và tài chính hiện hành.
Các stablecoin như Tether và USDC thuộc nhóm những tài sản tài chính tăng trưởng nhanh nhất trong những năm gần đây. Giá trị của stablecoin được neo theo một lượng tiền truyền thống do chính phủ phát hành như đô la Mỹ hoặc Euro. Do vậy, chúng được coi là một dạng số của tiền pháp định.
Luật mới nêu rõ rằng các dạng số của tiền pháp định không được coi là "tài sản mã hóa" hoặc "tài sản ảo". Do đó, chúng nằm ngoài phạm vi của luật và sẽ tuân theo khuôn khổ quản lý các phương thức thanh toán và công cụ tài chính khác. Hy vọng rằng trong tương lai, quy định rõ ràng hơn về stablecoin sẽ cho phép các doanh nghiệp kết hợp thanh toán stablecoin vào hoạt động của mình.
Mở ra cánh cửa cho các doanh nhân tài sản mã hóa
Theo Tiến sĩ Jeff Nijsse, đối với các công ty khởi nghiệp và nhà phát triển trong lĩnh vực tài sản mã hóa, tác động từ việc ban hành luật là tức thì. Luật cung cấp khuôn khổ rõ ràng để xây dựng và vận hành các doanh nghiệp tài sản mã hóa tại Việt Nam, nhằm đảo ngược xu hướng các công ty khởi nghiệp đăng ký kinh doanh tại các quốc gia khác như Singapore để tìm kiếm sự rõ ràng về mặt pháp lý. Điều này mở ra một thị trường khổng lồ trong nước vốn chưa tồn tại chính thức trước đây.
Bằng cách tạo ra hành lang pháp lý cho môi trường hoạt động, luật mới bảo vệ các nhà phát triển trong nước và cho phép các nhà đầu tư tự tin hơn, đồng thời tạo điều kiện cho các sàn giao dịch hiện tại có hướng đi rõ ràng để mở rộng tại thị trường Việt Nam.
"Chúng ta có thể mong đợi sẽ có nhiều sàn giao dịch quốc tế chuẩn bị cho hoạt động kinh doanh tại Việt Nam từ năm 2026 khi luật có hiệu lực", vị chuyên gia này đánh giá.

Ở cấp quốc gia, luật mới tạo điều kiện chính thức hóa thị trường blockchain trị giá 105 tỉ đô la Mỹ tại Việt Nam. Mục tiêu chính ở tầm quốc gia là đưa một "nền kinh tế ngầm" khổng lồ, trước đây không bị đánh thuế vào khu vực chính thức. Bằng cách ban hành quy định cho lĩnh vực này, Việt Nam có thể theo dõi hoạt động, tạo ra nguồn thu thuế đáng kể và hạn chế tình trạng "tháo chạy vốn" hiện xảy ra thông qua các sàn giao dịch nước ngoài.
"Với Luật Công nghiệp công nghệ số, Việt Nam đang định vị mình là một đối thủ cạnh tranh nghiêm túc với Singapore và Thái Lan trong cuộc đua trở thành trung tâm tài sản mã hóa hàng đầu của khu vực. Bên cạnh dân số trẻ am hiểu công nghệ và cộng đồng nhà phát triển năng động, Việt Nam hiện đã có nền tảng pháp lý để hỗ trợ cho tham vọng của mình", Tiến sĩ Jeff Nijsse nhận định.