Cổ phiếu cần quan tâm ngày 6/5

05/05/2025 20:30

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 6/5 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu TCB

CTCK BIDV (BSC)

Kết quả kinh doanh quý I/2025 của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, mã TCB – sàn HOSE) có phần thấp hơn kỳ vọng của BSC, tập trung vào danh mục tín dụng và thu nhập lãi thuần. Ban lãnh đạo Ngân hàng vẫn đánh giá kết quả kinh doanh quý I/2025 phù hợp với định hướng kế hoạch, và thể hiện sự tự tin với con số 31,5 nghìn tỷ bất kể chu kỳ thị trường.

Kế hoạch công khai của TCB là 31,5 nghìn tỷ (tăng 14% so với năm trước) cũng thấp hơn dự báo 32,7 nghìn tỷ (tương ứng tăng 19% so với cùng kỳ) của BSC trước đó, dựa trên giả định tăng trưởng tín dụng tiếp tục đạt mức cao (tăng 22%) và NIM cải thiện nhẹ (tăng 8bps) nhờ tỷ lệ CASA tiếp tục gia tăng.

Bối cảnh chung của ngành còn nhiều thách thức với những chuyển biến mới có thể thay đổi cấu trúc kinh tế của Việt Nam khiến BSC dự kiến đưa ra dự báo thận trọng hơn. Đặc biệt, triển vọng NIM của TCB dự kiến gặp nhiều khó khăn hơn so với kì vọng đầu năm của BSC. Dù vậy, việc ngân hàng có khả năng kiểm soát COF tốt hơn các ngân hàng khác nhờ sản phẩm và hệ sinh thái vượt trội vẫn sẽ đặt TCB vào vị thế tốt nhất để cải thiện NIM một khi thị trường BĐS quay trở lại.

Do đó, BSC vẫn duy trì mua cho TCB với giá mục tiêu gần nhất là 32.700 đồng/CP. Như cập nhật trước đó, catalyst đối với TCB trong năm nay đến từ khả năng IPO của TCBS. Bất chấp sự điều chỉnh mạnh của VN-Index sau khi có thông tin về mức thuế đối ứng, TCB cũng đang cho thấy hiệu suất (tăng 4,5%) vượt trội so với thị trường (giảm 3,4%) hay ngành ngân hàng tại thời điểm báo cáo. TCB đang có P/B = 1.3x, tương đương với các đối thủ nhưng thấp hơn trung bình lịch sử từ khi niêm yết.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VPB

CTCK BIDV (BSC)

Kế hoạch dài hạn đến 2029 của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB – sàn HOSE) đồng nghĩa với việc ngân hàng định hướng đưa ROAE quay trở lại >20% trong 5 năm tới. Ban lãnh đạo Ngân hàng cũng chia sẻ, trong môi trường nhiều bất định như hiện tại, kế hoạch kinh doanh sẽ được cập nhật sau quý II (nếu có) khi thời hạn hoãn áp thuế kết thúc, và sau 2026 thì ngân hàng mới có thể chắc chắn về kế hoạch này. BSC lưu ý rằng nhìn lại lịch sử của VPB, ngân hàng thường có xu hướng đặt mục tiêu tương đối tham vọng, với tỷ lệ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận trung bình 4 năm gần nhất là 72%.

Với kết quả kinh doanh quý I/2025 và dự kiến quý II/2025 của VPB, nhìn chung lợi nhuận vẫn tương đối phù hợp với dự báo của BSC. Tuy nhiên, đóng góp từ FECredit còn chịu áp lực khi chi phí dự phòng chưa thể hạ nhiệt nhanh. Các kì vọng chính đối với VPB sẽ tiếp tục xoay quanh (1) đẩy mạnh thu hồi nợ xấu và thanh lý tài sản bảo đảm hỗ trợ tăng trưởng thu ngoài lãi và (2) cắt giảm chi phí dự phòng tại FECredit sau nỗ lực tái cơ cấu danh mục.

VPB đang có mức P/B TTM chỉ 0.9x, đã được chiết khấu đủ mạnh và còn thấp hơn mức đáy tại cuối 2022 sau sự kiện SCB – VTP, do đó BSC cho rằng những yếu tố khó khăn đã phần nào được phản ánh vào giá cổ phiếu, từ đó duy trì khuyến nghị mua với giá mục tiêu gần nhất là 24.000 đồng/CP.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu PC1

CTCK BIDV (BSC)

Tình hình hoạt động và kế hoạch của các mảng xây lắp và năng lượng vẫn đang nằm trong dự phóng của chúng tôi. Đối với mảng BĐS KCN, BĐS thương mại, và khai khoáng niken, BSC có góc nhìn thận trọng hơn:

Mảng BĐS KCN (KCN Nomura 2 và công ty liên kết Western Pacific): Sau thông tin thuế quan đối ứng của Mỹ vào đầu tháng 4, các doanh nghiệp nước ngoài có ý định đầu tư nhà máy ở Việt Nam đều đã dừng lại, do đó chúng tôi cần thêm thông tin đàm phán thuế quan giữa Mỹ và Việt Nam để có thể đánh giá đúng tiềm năng của mảng này.

Mảng BĐS thương mại: giá bán của các sản phẩm tương đối cao so với vị trí cách xa trung tâm Hà Nội 20km (10-15 tỷ đồng/sản phẩm) do đó chúng tôi kỳ vọng dự án sẽ bàn giao 50% vào năm 2025 và còn lại vào năm 2026 (kế hoạch bàn giao toàn bộ vào năm 2025).

Mảng khai khoáng niken: Chúng tôi có quan điểm thận trọng đối với mảng này vì 1) tỷ lệ sử dụng pin LFP không sử dụng niken đang ngày càng tăng nhờ ưu điểm về hiệu suất và giá thành và 2) chính phủ Indonesia và Trung Quốc vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh khai thác niken và thế giới tiếp tục dư cung khoảng 100-150 nghìn tấn trong năm 2025 (nguồn: Sumitomo Metal Mining).

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu PC1 với giá mục tiêu năm 2025 là 26.700 đồng/CP, upside 28% so với giá ngày 29/04/2025. Mức định giá mới đã giảm 9.5% so với báo cáo trước do lo ngại về ảnh hưởng của mảng BĐS KCN và khai khoáng niken, tuy nhiên, giá cổ phiếu cũng đã giảm 9% từ đầu năm (giảm 25% so với đỉnh gần nhất) và các mảng xây lắp, năng lượng - chiếm 70% định giá PC1, vẫn hoạt động ổn định.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu GAS

CTCK Tiên Phong (TPS)

Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS – sàn HOSE) là một trong những cổ phiếu blue-chip có sức khỏe tài chính lành mạnh hàng đầu trong nhóm VN30 với tỷ lệ nợ vay rất thấp trong khi tiền mặt và tiền gửi ngân hàng tương đương 40% tổng tài sản, 54% tổng vốn chủ sở hữu. Ngoài ra, GAS cũng giữ một vai trò quan trọng và duy nhất trong ngành dầu khí nói chung và mảng LNG nói riêng. Với vị thế là một blue-chip trong VN30, GAS nhiều khả năng sẽ hưởng lợi trong làn sóng nâng hạng thị trường mới nổi sau khi hệ thống KRX chính thức đi vào vận hành.

Các điểm nhấn đầu tư cho 2025-2026: Biên lợi nhuận gộp có thể chịu sức ép nhẹ trong ngắn hạn do ảnh hưởng từ giá dầu giảm, tuy nhiên động lực tăng trưởng sẽ đến từ mảng khí khô, nhờ kỳ vọng sản lượng tiêu thụ và giá bán bình quân đều tăng trở lại từ năm 2025.

Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 & 4 sẽ trở thành yếu tố thúc đẩy tăng trưởng doanh thu rõ nét, với nhu cầu khí đầu vào gia tăng từ 2025 và đóng góp tích cực hơn từ 2026 trở đi.

Nguồn khí từ Lô B – Ô Môn dự kiến bù đắp phần sản lượng khí trong nước suy giảm, trong khi LNG sẽ trở thành trụ cột tăng trưởng dài hạn của GAS trong vòng 5 năm tới. Việc nhập khẩu LNG là cấp thiết, trong bối cảnh nhu cầu điện khí dự kiến tăng trưởng mạnh với CAGR khoảng 25–28%/năm.

Ngoài ra, biên lợi nhuận mảng LNG có dư địa cải thiện, do hiện tại GAS mới chỉ nhập LNG theo giá giao ngay và chưa ký hợp đồng dài hạn-mở ra khả năng tối ưu chi phí và cải thiện biên lợi nhuận trong tương lai.

Chúng tôi đưa ra giá mục tiêu của GAS là 69.963 đồng/CP. GAS là cổ phiếu có thể xem xét đầu tư trong trung và dài hạn vì: (1) Tiềm năng tăng trưởng tích cực, đặc biệt từ năm 2026; (2) Sức khỏe tài chính lành mạnh và khả năng sẽ hưởng lợi trong làn sóng nâng hạng thị trường; (3) Định giá về vùng hấp dẫn; (4) Vị thế đặc biệt duy nhất trong mảng khí LNG.

Bạn đang đọc bài viết "Cổ phiếu cần quan tâm ngày 6/5" tại chuyên mục CHỨNG KHOÁN. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.