Đạm Phú Mỹ (DPM) muốn tăng vốn điều lệ trong năm 2023, sắp chi nốt gần 1.200 tỷ trả cổ tức cho cổ đông

07/06/2023 13:00

Mức chi trả cổ tức năm 2022 dự kiến là 70% (đã tạm ứng 40%), tương ứng còn gần 1.200 tỷ đồng sẽ được chi trả cho cổ đông sắp tới.

Ngày 27/6 tới đây, Tổng Công ty Phân bón và hoá chất Dầu khí (PVFCCo, Đạm Phú Mỹ, mã chứng khoán: DPM) sẽ tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2023. Công ty đã công bố tài liệu họp.

Kế hoạch kinh doanh 2023 trình lên cổ đông không thay đổi so với nghị quyết HĐQT đã ban hành trước đó với doanh thu hợp nhất đạt 17.372 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2.250 tỷ, lần lượt giảm 7% và 60% so với thực hiện trong năm trước. Mức chi trả cổ tức năm 2023 dự kiến là 40%.

Đạm Phú Mỹ (DPM) muốn tăng vốn điều lệ trong năm 2023, sắp chi nốt gần 1.200 tỷ trả cổ tức cho cổ đông - Ảnh 1.

Cũng trong năm 2023, DPM dự kiến chi 492 tỷ để đầu tư, trong đó 282 tỷ đồng dùng để mua sắm tài sản, trang thiết bị; và 209 tỷ đồng đầu tư XDCB.

Một tờ trình khác cũng được đưa ra thảo luận là việc xin ý kiến cổ đông về việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, mục đích là để đảm bảo tình hình chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ. Theo báo cáo tài chính của công ty mẹ của công ty tại ngày 31/12/2022, tổng vốn chủ sở hữu đạt 13.779 tỷ đồng, cao gấp 3,5 lần vốn điều lệ là 3.914 tỷ đồng.

Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2022, Đạm Phú Mỹ đề xuất chia cổ tức năm 2022 bằng tiền, tỷ lệ 70%, tương ứng cổ đông sở hữu mỗi 1 cổ phiếu nhận được 7.000 đồng. Trước đó, DPM đã tạm ứng cổ tức với tỷ lệ 40%, nếu được thông qua phương án trên thì sẽ còn 30% cổ tức tiền tương ứng 1.173 tỷ đồng chi trả để thanh toán cho cổ đông.

Ngoài ra, tại đại hội, công ty dự kiến bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT và 1 thành viên Ban kiểm soát.

Theo đánh giá của Đạm Phú Mỹ, 2023 sẽ là một năm khó khăn, thử thách với công ty khi các yếu tố về thị trường phân bón, giá khí có thể diễn ra không suôn sẻ. Đặc biệt, nguồn cung khí thiên nhiên đã chuyển sang thời kỳ khó khăn và các nguồn khí rẻ sụt giảm sản lượng. Một trong những mục tiêu trọng điểm của công ty trong năm nay là tìm kiếm được nguồn khí ổn định (giá bán, sản lượng) dài hạn để phục vụ cho hoạt động sản xuất đạm.

Thực tế, hồi tháng 5 vừa qua, trong bối cảnh lượng điện thiếu hụt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có văn bản gửi Đạm Phú Mỹ về việc ưu tiên nhường khí cho sản xuất điện các tháng cao điểm mùa khô (tháng 5, tháng 6).

Tình hình kinh doanh của DPM sau 3 tháng đầu năm ghi nhận sụt giảm. Doanh thu quý 1 đạt 3.265 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế giảm sâu 88% xuống còn 262 tỷ đồng, đồng thời là mức lãi thấp nhất trong 6 quý trở lại đây.

Trong báo cáo cập nhật triển vọng về ngành phân bón mới đây, SSI Research dự báo, các công ty sản xuất phân bón có thể giảm sản lượng sản xuất để giúp hạn chế tình trạng thiếu điện. Do đó, sản lượng tiêu thụ urê của Đạm Phú Mỹ có thể giảm 12% so với cùng kỳ trong năm 2023. Cới tình hình xuất khẩu urê kém và thêm việc giảm sản lượng để giải quyết nhu cầu thiếu điện trong nước, lợi nhuận ròng quý 2 của Đạm Phú Mỹ thậm chí sẽ thấp hơn quý 1 và có thể là mức lợi nhuận thấp nhất nếu xét về giá trị tuyệt đối.

SSI Research ước tính lợi nhuận năm 2023 của DPM có thể xuống mứcm 1.230 tỷ đồng, giảm 78% so với cùng kỳ và sản lượng tiêu thụ urê sẽ dần phục hồi từ năm 2024.

Trên thị trường, cổ phiếu DPM chốt phiên 6/6 đạt 32.800 đồng/cp.

Đạm Phú Mỹ (DPM) muốn tăng vốn điều lệ trong năm 2023, sắp chi nốt gần 1.200 tỷ trả cổ tức cho cổ đông - Ảnh 2.

Bạn đang đọc bài viết "Đạm Phú Mỹ (DPM) muốn tăng vốn điều lệ trong năm 2023, sắp chi nốt gần 1.200 tỷ trả cổ tức cho cổ đông" tại chuyên mục CHỨNG KHOÁN. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: dautuforum@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.