Doanh nhân Quách Đàm: Góp phần mở mang kinh doanh cho đồng nghiệp (Kỳ 2)

24/03/2024 16:14

Nhắc đến chợ Bình Tây thì phải nhắc đến Quách Đàm - một thương nhân người Việt gốc Hoa rất nổi tiếng tại Sài Gòn - Chợ Lớn đầu thế kỷ XX. Ông không chỉ được biết đến là một doanh nhân thành đạt, giàu có bậc nhất Nam Kỳ mà còn được biết đến là một người làm từ thiện đã xây dựng nên khu chợ biểu tượng của Sài Gòn - TP.HCM.

Doanh nhân xưa

Doanh nhân Quách Đàm: Góp phần mở mang kinh doanh cho đồng nghiệp (Kỳ 2)

Thanh An (Tổng hợp) • 17/03/2024 - 12:22

Nhắc đến chợ Bình Tây thì phải nhắc đến Quách Đàm - một thương nhân người Việt gốc Hoa rất nổi tiếng tại Sài Gòn - Chợ Lớn đầu thế kỷ XX. Ông không chỉ được biết đến là một doanh nhân thành đạt, giàu có bậc nhất Nam Kỳ mà còn được biết đến là một người làm từ thiện đã xây dựng nên khu chợ biểu tượng của Sài Gòn - TP.HCM.

Kỳ 2: Người xây dựng chợ Bình Tây

5.-tuong-quach-dam-tai-bao-tang-my-thuat-tp.hcm.jpgTượng Quách Đàm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM

Một trong những tài sản nổi bật và tồn tại đến ngày nay của Quách Đàm tại Sài Gòn - Chợ Lớn là chợ Bình Tây.

Vào đầu những năm 1920, khi nắm quyền sở hữu một ngôi chợ và phần lớn khu vực xung quanh, ông đã đề xuất với chính quyền thuộc địa phá bỏ chúng để xây dựng ngôi chợ mới, rộng lớn hơn nhiều, là chợ trung tâm của Chợ Lớn. Được chấp nhận, năm 1928, ông hiến tặng 58.000 đồng tiền Đông Dương xây dựng “Chợ Lớn mới” (theo cách gọi của tiểu thương) mang tên chợ Bình Tây, khánh thành năm 1930 với mục đích để thương gia mở rộng kinh doanh khi dân cư ngày càng tăng. Ông còn xin xây dựng thêm mấy dãy nhà phố xung quanh chợ và đặt tượng mình giữa chợ khi mất.

Chợ và khu phố ấy do nhà thầu danh tiếng - Công ty Tàu Cuốc Đông Dương xây dựng theo phong cách kiến trúc Á Đông nhưng ứng dụng kỹ thuật của phương Tây đương thời và được đánh giá là một trong những ngôi chợ đẹp nhất Sài Gòn thời bấy giờ.

Chợ Bình Tây nằm trong khuôn viên 25.000m², có mặt bằng hình chữ nhật, 12 cổng cả chính lẫn phụ toả ra 4 tuyến đường Tháp Mười - Lê Tấn Kế - Phan Văn Khỏe - Trần Bình Tháp, mặt tiền chợ có tháp cao ba tầng, 4 mặt gắn đồng hồ, có “lưỡng long chầu châu”, 4 góc có 4 tháp nhỏ. Mái chợ lợp bằng ngói âm dương theo kiểu chồng lớp để tạo sự thông thoáng. Giữa chợ có sân trời rộng rãi với đài thờ, nơi đặt bức tượng bằng đồng của Quách Đàm. Bức tượng mô tả Quách Đàm tay phải cầm một cuộn giấy liệt kê công việc từ thiện, tay trái cầm tờ giấy ghi nội dung tặng cho chính quyền Chợ Lớn khu đất và tiền xây dựng chợ Bình Tây. (Ngày nay, bức tượng toàn thân của Quách Đàm được chuyển đến Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM để trưng bày cho du khách chiêm ngưỡng, thay vào đó là bức tượng bán thân của ông).

Từ những cống hiến trong việc xây chợ Bình Tây, sau hai năm, Quách Đàm nhập quốc tịch Pháp và được tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh, Huân chương Hắc tinh của Pháp, Huân chương Hoàng gia Cambodge, Huân chương Gia hòa của Trung Hoa Dân quốc. Ông càng nhận được sự ngưỡng mộ của dân địa phương lẫn giới chức thuộc địa.

4.-dai-tho-quach-dam-tai-khu-trung-tam-cho-binh-tay.jpgĐài thờ Quách Đàm tai chợ Bình Tây

Sau khi đưa vào hoạt động, với lợi thế về giao thông thuỷ bộ cũng như tay nghề giỏi của tiểu thương người Việt và người Hoa, chợ Bình Tây nhanh chóng trở thành khu kinh doanh sầm uất, là chợ đầu mối với đủ loại hàng hoá chủ yếu để bán buôn khắp miền Nam và các nước láng giềng.

Từ khi đất nước thống nhất, chợ Bình Tây đã trải qua ba lần trùng tu vào năm 1992, 2006 và 2016. Đợt trùng tu năm 2006, khu chợ được mở rộng thêm hai dãy phía đường Trần Bình và đường Lê Tấn Kế. Đợt trùng tu, cải tạo toàn diện khu chợ vào năm 2016 với kinh phí 104 tỷ đồng cùng hơn 10 tỷ đồng làm chợ tạm là tiền được tích góp từ thuê bao sử dụng sạp của tiểu thương trong vòng 10 năm.

Ngày 15/11/2018, chợ Bình Tây hoạt động trở lại với hơn 1.400 sạp đủ các mặt hàng phục vụ thương trường không những trong nước mà còn ở vài nước trong khu vực.

Các đợt sửa chữa, nâng cấp chợ Bình Tây theo nguyên mẫu được xây dựng từ năm 1928. Toàn bộ kiến trúc, đường nét khi phục chế đều được Trung tâm Bảo tồn và Phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM kiểm định. Những con rồng trên nóc chợ được phục hồi theo nguyên mẫu. Đặc biệt, nền chợ được nâng cao hơn và đá mài khi lát nền thay thế được giữ nguyên màu trắng đục.

Không gian chợ Bình Tây khang trang sau khi được sửa chữa, cải tạo không những là chợ đầu mối lớn nhất và lâu đời nhất nước mà còn là điểm tham quan thu hút khá đông du khách trong và ngoài nước.

Đáng tiếc, ông Quách Đàm đã không thể chứng kiến những thành tựu mà ngôi chợ Bình Tây được ông dành nhiều tâm huyết xây dựng. Ngày 14/5/1927, Quách Đàm đột ngột qua đời, hưởng thọ 65 tuổi.

Khi nhận được tin ông mất, báo L’Écho Annamite đã đăng một bài dài tường thuật đám tang của ông vào Chủ nhật ngày 29/5/1927. Trong đám tang có những chiếc xe điện và xe lửa đặc biệt được dùng để đưa đón những nhân vật có danh tiếng đến Chợ Lớn dự đám tang. Đoàn đưa tang khởi hành từ số 45 Đại lộ Gaudot đến khu mộ của gia tộc ông tại nghĩa trang Phú Thọ.

Sau gần 100 năm kể từ ngày Quách Đàm mất, mặc dù TP.HCM đã trải qua nhiều sự thay đổi nhưng di sản mà ông để lại trên mảnh đất Sài Gòn - Chợ Lớn, đặc biệt là chợ Bình Tây vẫn còn được lưu giữ gần như nguyên vẹn. Để ghi nhớ công lao của ông, người dân và tiểu thương chợ Bình Tây thường xuyên đến thắp hương, dâng lễ vật tại đài thờ ở giếng trời trung tâm chợ. Họ cũng xem Quách Đàm như thần tài của chợ nên thường cầu mong ông phù hộ cho việc buôn bán thuận lợi.

Bạn đang đọc bài viết "Doanh nhân Quách Đàm: Góp phần mở mang kinh doanh cho đồng nghiệp (Kỳ 2)" tại chuyên mục DOANH NHÂN. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: dautuforum@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.