Hà Nội sẽ có 14 tuyến đường sắt đô thị dài 550km, "xoá sổ" tuyến buýt BRT nghìn tỷ?

17/04/2024 16:30

Hà Nội dự kiến làm 14 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 550km - là “xương sống” của giao thông đô thị trong tương lai.

Vì sao tuyến BRT sẽ được thay thế bằng đường sắt đô thị?

Hôm qua (15/5), Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với UBND TP Hà Nội về chuyên đề giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023" trên địa bàn TP Hà Nội.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, Hà Nội đã nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch giao thông vận tải tích hợp trong quy hoạch hạ tầng kỹ thuật của quy hoạch chung Thủ đô, đồng bộ với quy hoạch Thủ đô, trong đó bổ sung 24 tuyến giao thông kết nối các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô.

Với tuyến BRT, theo điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô, Hà Nội sẽ thay thế tuyến BRT hiện hữu bằng tuyến đường sắt đô thị.

Hà Nội sẽ có hàng chục tuyến đường sắt đô thị trong tương lai,

Tuyến buýt BRT gặp nhiều hạn chế sau nhiều năm vận hành. Ảnh: Đăng Khoa

Tuyến buýt nhanh BRT hiện hữu là tuyến số 01 Kim Mã - Hà Đông, được đưa vào sử dụng từ tháng 12/2016 với tổng mức đầu tư trên 55 triệu USD (khoảng 1.100 tỷ đồng). Tuyến có chiều dài hơn 14 km, sử dụng 55 xe buýt loại 80 chỗ với giá hơn 5 tỷ đồng/xe.

Dự án được thực hiện bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới với mục tiêu cải thiện tình trạng ùn tắc, ô nhiễm; làm nền tảng phát triển hạ tầng giao thông công cộng; thúc đẩy người dân chuyển từ xe cá nhân sang phương tiện công cộng.

Theo các quy hoạch, giai đoạn từ 2011 đến 2030 thành phố xây dựng 8 tuyến nhanh - BRT nhưng hiện nay mới làm được 1. Do mới có 1 tuyến và xây dựng làn đường ưu tiên trên cơ sở lấy 1/3 mặt cắt của trục xuyên tâm Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương có lưu lượng giao thông đông nên các đơn vị vận hành có cố gắng nhưng việc hoạt động, khai thác của tuyến đang gặp nhiều hạn chế.

Báo Tiền phong dẫn phân tích của ông Tuấn trong buổi làm việc cho biết, do lưu lượng giao thông đông và làn đường ưu tiên đang khai thác đúng tiêu chuẩn nên buýt nhanh hoạt động không khác gì buýt thường, vào giờ cao điểm vẫn chạy chậm như các tuyến buýt thông thường. Từ thực tế này nên trong phương án điều chỉnh quy hoạch chung về phát triển giao thông sắp tới, thành phố có kế hoạch sẽ thay thế tuyến buýt BRT bằng tuyến đường sắt đô thị vừa được bổ sung chạy cùng hành trình là Kim Mã - Yên Nghĩa.

Hà Nội đẩy nhanh tiến độ làm 14 tuyến đường sắt đô thị

Theo quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được thông qua, Hà Nội xác định sẽ có cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 550km. Hệ thống đường sắt đô thị này được xác định là “xương sống” của giao thông đô thị.

Hà Nội sẽ có hàng chục tuyến đường sắt đô thị trong tương lai,

Sơ đồ tuyến đường sắt đô thị Hà Nội theo quy hoạch Giao thông Vận tải đến năm 2030. Nguồn: UBND TP Hà Nội

Ngoài việc tiếp tục triển khai 10 tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 (quy hoạch 1259), đồ án bổ sung 4 tuyến: Ngọc Hồi - Thường Tín - Cảng hàng không số 2; Mê Linh - Cổ Loa - Yên Viên - Dương Xá; Cát Linh - Lê Văn Lương - Vành đai 4 và Vĩnh Tuy - Minh Khai - Trường Chinh - Láng - Nhật Tân.

Bên cạnh đó, TP sẽ xây dựng đường sắt nhẹ (monorail) trên cao, chạy ven hai bờ sông Hồng, kết hợp du lịch, cảnh quan và kết nối khu vực phố cổ, đồng thời chuẩn bị các điều kiện để phối hợp với Trung ương xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Phát triển đường sắt đô thị được coi là giải pháp cốt yếu nhằm hạn chế xe máy và giảm các phương tiện giao thông cá nhân khác trong nội đô.

Hà Nội sẽ có hàng chục tuyến đường sắt đô thị trong tương lai,

TP Hà Nội dự kiến trước ngày 10/10/2024 sẽ khai thác thương mại đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội.

Thời gian qua, TP Hà Nội đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành tổ chức các hội thảo về các lĩnh vực của dự án Luật, trong đó có phát triển đường sắt đô thị phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD)… để đưa vào Luật.

Mới đây nhất là Hội thảo "Đường sắt đô thị trong hệ thống giao thông thông minh nhằm giảm ùn tắc giao thông, tiến tới giảm phương tiện giao thông cá nhân" tổ chức ngày 11/4.

Tại đây, các đại biểu nhất trí cho rằng, hiện nay, hạ tầng giao thông của TP Hà Nội đã quá tải trầm trọng, đặc biệt là khu vực nội đô và các tuyến đường trục xuyên tâm. Để giảm thiểu phương tiện cá nhân, khắc phục ùn tắc giao thông, tất yếu phải đầu tư cho vận tải hành khách công cộng. Trong đó, mạng lưới đường sắt đô thị phải là "xương sống" của hệ thống giao thông công cộng. Vì vậy, việc đẩy mạnh đầu tư xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị là rất cần thiết.

Các đại biểu cũng đưa ra những giải pháp để đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống đường sắt đã được quy hoạch của TP Hà Nội.

Theo đó, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng kiến nghị triển khai đồng bộ công tác quy hoạch, đảm bảo quy hoạch đi trước.

"Trong bối cảnh chúng ta đang điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, trong đó có hệ thống đường sắt, cần nghiên cứu và chuẩn hóa quy hoạch hệ thống ĐSĐT làm rõ số tuyến xây dựng và có kế hoạch thực hiện đảm bảo khả thi", ông Lê Quang Hùng nói và kiến nghị xây dựng một Nghị quyết của Quốc hội về xây dựng hệ thống đường sắt đô thị với nhiều cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho việc thực hiện.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Thái (Ban Quản lý dự án Đường sắt) nói rằng, một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến chậm tiến độ của các dự án vừa qua là khâu GPMB; do vậy cần tách phần GPMB của dự án đường sắt đô thị thành một dự án thành phần riêng và triển khai thực hiện độc lập trước dự án chính một thời gian thích hợp, để khi dự án chính triển khai thi công thì đã cơ bản có toàn bộ mặt bằng sạch.

Đồng quan điểm, Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội Nguyễn Cao Minh cũng đề xuất, phải xây dựng cơ chế, phương án đền bù GPMB, thu hồi đất đảm bảo lợi ích hài hòa giữa người dân, nhà nước và doanh nghiệp. Ngoài ra, quan tâm việc huy động nguồn vốn đầu tư, nguồn lực từ đất trong các khu vực TOD được quy hoạch; về trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư…

Chi tiết 14 tuyến đường sắt đô thị của Hà Nội bao gồm:

1. Ngọc Hồi - Yên Viên - Lạc Đạo

2. Sóc Sơn - Nội Bài - Thượng Đình - Xuân Mai

2A. Cát Linh - Hà Đông - Xuân Mai

3. Sơn Tây - Trôi - Nhổn - Yên Sở - Cầu Diễn

4. Mê Linh - Sài Đồng - Liên Hà

5. Văn Cao - Hòa Lạc

6. Nội Bài - Mai Dịch

7. Mê Linh - Hà Đông - Ngọc Hồi

8. Sơn Động - Mai Dịch - Dương Xá

9. Ngọc Hồi - Thường Tín - Cảng hàng không số 2

10. Mê Linh - Cổ Loa - Yên Viên - Dương Xá

11. Cát Linh - Lê Văn Lương - Vành đai 4

12. Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai

13. Vĩnh Tuy - Minh Khai - Trường Chinh - Láng - Nhật Tân

Bạn đang đọc bài viết "Hà Nội sẽ có 14 tuyến đường sắt đô thị dài 550km, "xoá sổ" tuyến buýt BRT nghìn tỷ?" tại chuyên mục ĐẦU TƯ. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: dautuforum@gmail.com - phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.