HOSE và hành trình 25 năm “Nâng giá trị - Vững niềm tin”

27/07/2025 08:01

Trải qua hành trình 25 năm, HOSE đã trưởng thành cùng với những bước chuyển mình ngày càng lớn mạnh của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam và không ngừng tạo dựng những nền tảng giá trị, đem lại niềm tin bền vững cho ngành chứng khoán nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Ngày 28 tháng 07 năm 2000, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh – tiền thân của Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) – chính thức khai trương phiên giao dịch đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của thị trường chứng khoán Việt Nam. Với chỉ 02 mã cổ phiếu niêm yết ban đầu, 06 công ty chứng khoán thành viên, 4.200 cổ phiếu được khớp và giá trị giao dịch cả phiên đầu tiên chỉ vỏn vẹn 70,4 triệu đồng nhưng sự kiện này đã mở ra một chương mới trong lịch sử phát triển kinh tế – tài chính của đất nước.

Trải qua hành trình 25 năm, HOSE đã trưởng thành cùng với những bước chuyển mình ngày càng lớn mạnh của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam và không ngừng tạo dựng những nền tảng giá trị, đem lại niềm tin bền vững cho ngành chứng khoán nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại hành trình đầy ấn tượng này.

HOSE và hành trình 25 năm “Nâng giá trị - Vững niềm tin”- Ảnh 1.

HOSE và hành trình 25 năm “Nâng giá trị - Vững niềm tin”- Ảnh 2.

Từ con số công ty chứng khoán (CTCK) thành viên tham gia thị trường ban đầu chỉ có 06 gồm CTCP Chứng khoán Bảo Việt, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, CTCP Chứng khoán Sài Gòn, CTCP Chứng khoán Đệ Nhất, CTCP Chứng khoán Thăng Long và Công ty TNHH Chứng khoán ACB, trải qua quá trình phát triển mạnh mẽ cùng hoạt động tái cấu trúc các CTCK, đến ngày 31/5/2025 tổng số CTCK thành viên kết nối giao dịch đến HOSE là 78, tăng 72 công ty, tương đương tăng gấp 13 lần so với lúc ban đầu. Tổng số nhân sự làm việc tại các CTCK tính đến tháng 05/2025 là gần 16.000 nhân sự, trong đó có hơn 7.000 nhân sự có chứng chỉ hành nghề chứng khoán (chiếm 44,1% tổng số nhân sự CTCK) và con số này ngày càng được gia tăng.

Năng lực tài chính của các CTCK liên tục được nâng cao. Từ vốn điều lệ chỉ có vài tỷ đồng hay vài chục tỷ đồng mỗi công ty thì đến nay nhiều CTCK đã có vốn điều lệ vượt trên nghìn tỷ đồng. Theo số liệu tại Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024 của các CTCK thành viên kết nối giao dịch đến HOSE, có 45 CTCK có mức vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng trở lên, chiếm 57,7% tổng số CTCK. Cá biệt, có những CTCK có vốn điều lệ lớn hơn 15 ngàn tỷ như CTCP Chứng khoán SSI, CTCP Chứng khoán Kỹ Thương hay CTCP Chứng khoán VNDirect với vốn điều lệ lần lượt là 19.638 tỷ đồng, 19.613 tỷ đồng và 15.222 tỷ đồng. Điều đó cho thấy các CTCK đã có sự tăng trưởng, lớn mạnh vượt bậc trên HOSE và vươn tầm khu vực. Phần lớn các CTCK hoạt động hiệu quả và có lợi nhuận lớn (61/78 CTCK có lợi nhuận lũy kế đến năm 2024 với tổng lợi nhuận sau thuế lũy kế là 55.723 tỷ đồng).

HOSE và hành trình 25 năm “Nâng giá trị - Vững niềm tin”- Ảnh 3.

Hoạt động của các CTCK từ giản đơn với các hoạt động nghiệp vụ như môi giới, tự doanh đã dần trở nên đa dạng hơn với các dịch vụ cung cấp được mở rộng, chất lượng được nâng cao, hướng tới phục vụ khách hàng và ngày càng chú trọng tăng cường công tác quản trị công ty, thu hút được nhiều kinh nghiệm và vốn đầu tư nước ngoài. Trong quá trình phát triển đó, các CTCK đã đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghệ hiện đại, xây dựng các kênh thông tin, ứng dụng hỗ trợ nhà đầu tư trong việc phân tích, theo dõi, thực hiện giao dịch và quản lý giao dịch một cách tiện lợi, nhanh chóng và thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia TTCK. Số lượng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư mở tại các CTCK tăng đều qua các năm. Từ con số ban đầu 2.997 tài khoản vào cuối năm 2000, đến tháng 05/2025 tổng số tài khoản giao dịch nhà đầu tư mở tại các CTCK thành viên kết nối giao dịch đến HOSE là 10.070.952 tài khoản, tăng gấp 3.360 lần so với năm 2000.

Các CTCK thành viên có nhiều cơ hội tham gia các hoạt động tư vấn đấu giá, cổ phần hóa và tư vấn niêm yết chứng khoán trên HOSE. Nhiều CTCK chủ động đăng ký thực hiện nghiệp vụ tạo lập thị trường cho quỹ hoán đổi danh mục (ETF) cũng như hăng hái trong việc phát hành và niêm yết chứng quyền có bảo đảm (CW), nghiên cứu phát triển sản phẩm mới cùng với HOSE, qua đó mang lại nhiều giá trị cho chính bản thân CTCK và cho TTCK. Ngoài ra, các CTCK còn được tham gia xây dựng các văn bản pháp luật cũng như phối hợp tuyên truyền, đào tạo kiến thức chứng khoán cho nhà đầu tư. Với các hoạt động đa dạng, các CTCK ngày càng chuyên nghiệp và trở thành nhân tố đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển TTCK tại HOSE.

HOSE và hành trình 25 năm “Nâng giá trị - Vững niềm tin”- Ảnh 4.

Với các doanh nghiệp niêm yết (DNNY) trên HOSE, ban đầu chỉ có hai doanh nghiệp đưa cổ phiếu lên niêm yết và giao dịch (REE và SAM) thì đến cuối tháng 4/2025 có 391 mã cổ phiếu, 21 mã chứng chỉ quỹ (trong đó có 17 mã chứng chỉ quỹ ETF) và 201 mã chứng quyền có bảo đảm, tương ứng với 178,4 tỷ chứng khoán được niêm yết và giao dịch trên HOSE. Các DNNY trên HOSE rất đa dạng về ngành nghề và quy mô, tập trung các doanh nghiệp lớn, đầu ngành với hoạt động kinh doanh ổn định. Tính đến cuối tháng 4/2025, 04 ngành có tỷ trọng cao nhất là Tài chính, Bất động sản, Hàng tiêu dùng thiết yếu và Công nghiệp, chiếm hơn 75% giá trị vốn hóa toàn thị trường, trong đó ngành Tài chính chiếm tỷ trọng lớn nhất với gần 2,28 triệu tỷ đồng (chiếm 44,5% tổng giá trị vốn hóa); Có 18 ngân hàng lớn đang niêm yết trên HOSE với giá trị vốn hóa 2,04 triệu tỷ đồng (chiếm 40% tổng giá trị vốn hóa); Có hơn 40 DNNY trên HOSE có giá trị vốn hóa hơn 1 tỷ USD. Trên HOSE, gần 50% DNNY là doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cổ phần hóa. Đáng chú ý, 45/100 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2024 (theo thống kê của VNR) và 24/30 doanh nghiệp tư nhân nộp ngân sách lớn nhất Việt Nam năm 2024 (theo thống kê của ngành Thuế) hiện đang niêm yết trên HOSE.

HOSE và hành trình 25 năm “Nâng giá trị - Vững niềm tin”- Ảnh 5.

Việc niêm yết trên HOSE cho thấy đây không chỉ là dấu mốc khẳng định vị thế và thương hiệu của DNNY mà còn mở ra cánh cửa tiếp cận dòng vốn trung và dài hạn, trong và ngoài nước. Chính vì vậy, HOSE đã trở thành lựa chọn hàng đầu của các DNNY trong chiến lược huy động vốn hiệu quả và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Vốn điều lệ của nhiều công ty đã tăng trưởng vượt bậc so với thời điểm mới lên niêm yết, tiêu biểu là các doanh nghiệp như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (74 lần); CTCP Tập đoàn Hòa Phát (48 lần), Tập đoàn Vingroup – Công ty Cổ phần (47 lần), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (44 lần); CTCP Cơ Điện lạnh (31 lần); CTCP FPT (24 lần); CTCP Gemadept (24 lần); CTCP Sữa Việt Nam (13,1 lần). Tính đến cuối năm 2024, tổng vốn điều lệ bình quân của các DNNY đạt hơn 4,2 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với năm 2015. Trong vòng 25 năm, tổng giá trị vốn huy động qua phát hành thêm cổ phiếu đã vượt 520 nghìn tỷ đồng, với hơn 1.000 đợt phát hành có thu tiền, riêng ngành tài chính đã mang về hơn 230 nghìn tỷ đồng.

Các DNNN thường lựa chọn thực hiện cổ phần hóa thông qua hoạt động đấu giá, phát hành lần đầu ra công chúng, hoặc chào bán riêng lẻ để tăng vốn trên HOSE. Hơn 50% số doanh nghiệp đang niêm yết là DNNN cổ phần hóa là một minh chứng rõ nét cho việc cổ phần hóa gắn với niêm yết hiệu quả trên HOSE, góp phần thúc đẩy tiến trình thoái vốn nhà nước và minh bạch hóa thông tin theo cơ chế thị trường. Từ năm 2005 đến nay, có 584 cuộc đấu giá cổ phần, bán được hơn 4.800 triệu cổ phần và hơn 130 triệu quyền mua cổ phần, qua đó thu về hơn 240 nghìn tỷ đồng về cho chủ sở hữu thực hiện trên HOSE; trong đó, có 352 đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng cho DNNN cổ phần hóa, thu về hơn 74,8 nghìn tỷ đồng cho nhà nước. Một số cuộc đấu giá cổ phần và thoái vốn nhà nước tiêu biểu như: SAB (hơn 115 ngàn tỷ đồng), VCB (trên 10 ngàn tỷ đồng), VNM (hơn 9,5 ngàn tỷ đồng) không chỉ thể hiện tính hiệu quả về tài chính mà còn là bước ngoặt nâng cao năng lực quản trị và minh bạch thông tin.

Chất lượng DNNY ngày càng được nâng cao. Dữ liệu giai đoạn 2015 – 2024 cho thấy doanh thu và lợi nhuận của các DNNY có xu hướng cải thiện rõ rệt theo thời gian. Tỷ lệ doanh nghiệp báo lãi giữ ở mức ổn định, phản ánh hiệu quả sử dụng vốn sau niêm yết cũng như những thay đổi tích cực trong quản trị và chiến lược phát triển. Việc trở thành DNNY trên HOSE không chỉ mở ra cơ hội tăng trưởng, mà còn đi kèm với những yêu cầu khắt khe hơn về minh bạch và quản trị. Từ công bố thông tin, điều hành nội bộ đến trách nhiệm với cổ đông, doanh nghiệp buộc phải nâng cấp toàn diện để đáp ứng tiêu chuẩn giám sát ngày càng cao từ cơ quan quản lý.

Các DNNY cũng nhận được sự hướng dẫn, hỗ trợ tích cực trong việc thực hiện công bố thông tin đầy đủ và hiệu quả từ HOSE. Việc triển khai hệ thống quản lý tài liệu điện tử (ECM) trên HOSE đã giúp loại bỏ thủ tục giấy tờ, tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả quản lý hồ sơ công bố. Các chương trình đào tạo, hội thảo pháp lý và tư vấn chuyên đề được tổ chức thường xuyên để hỗ trợ doanh nghiệp nắm rõ quy định, xử lý linh hoạt các tình huống thực tế. Doanh nghiệp được khuyến khích tăng cường hoạt động Quan hệ nhà đầu tư (IR), nâng cao khả năng kết nối với công chúng đầu tư. Một bước tiến đáng chú ý từ năm 2025 là việc 100% doanh nghiệp trên HOSE đã thực hiện công bố thông tin định kỳ bằng tiếng Anh. Đây là nền tảng quan trọng giúp tăng cường tiếp cận của nhà đầu tư nước ngoài và nâng vị thế thị trường.

HOSE và hành trình 25 năm “Nâng giá trị - Vững niềm tin”- Ảnh 6.

Ngành quỹ đầu tư ở Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể, từ giai đoạn sơ khai đến sự tăng trưởng mạnh mẽ hiện nay với 43 công ty quản lý quỹ đang hoạt động, quản lý 123 quỹ đầu tư chứng khoán với tổng giá trị tài sản quản lý hơn 750 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 7 lần so với năm 2014. Hơn 10 năm qua, ngành quỹ đã duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh, bình quân khoảng 20% mỗi năm, góp phần đa dạng hóa kênh đầu tư trên TTCK và tăng huy động vốn cho nền kinh tế. Trong đó, có 03 quỹ đóng, 01 quỹ bất động sản và quan trọng là 17 quỹ hoán đổi danh mục (ETF) được niêm yết và giao dịch hiệu quả trên HOSE.

Qua hơn một thập kỷ kể từ khi sản phẩm ETF đầu tiên được niêm yết năm 2014, dòng vốn thông qua ETF ngày càng khẳng định vai trò trong việc kết nối nhà đầu tư trong và ngoài nước với các nhóm cổ phiếu đại diện trên HOSE. Các quỹ ETF mô phỏng theo các bộ chỉ số quan trọng do HOSE phát triển như VN30, VN100, VN Midcap, VN Diamond, VNFIN Select, VNFIN Lead, VNX50, tổng khối lượng niêm yết đạt trên 01 tỷ chứng chỉ quỹ, với tổng giá trị tài sản ròng (NAV) đạt gần 25 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với cuối năm 2019.

Với cơ chế quản lý thụ động, minh bạch, sản phẩm ETF trên HOSE không chỉ mang lại cho nhà đầu tư một công cụ mô phỏng sát với hiệu suất của các chỉ số hàng đầu trên thị trường mà còn đóng vai trò là kênh hút vốn hiệu quả, gia tăng thanh khoản cho thị trường. Từ năm 2014 đến cuối tháng 5/2025, thị trường đã ghi nhận 2.185 đợt hoán đổi làm tăng hơn 3,52 tỷ chứng chỉ quỹ ETF và 1.679 đợt hoán đổi làm giảm 2,64 tỷ chứng chỉ quỹ ETF. Riêng năm 2022, thị trường sơ cấp ghi nhận 688 đợt giao dịch hoán đổi, cao nhất từ trước đến nay, tương ứng với sự sôi động của thị trường thứ cấp khi khối lượng và giá trị giao dịch ETF trên HOSE đạt lần lượt 1,82 tỷ chứng chỉ quỹ và 39.528 tỷ đồng.

Sự tăng trưởng này thể hiện qua số lượng quỹ và quy mô tài sản, đồng thời phản ánh sự gia tăng về thanh khoản trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp, từng bước định vị ETF là một công cụ đầu tư phổ biến và hấp dẫn với nhà đầu tư cá nhân và tổ chức, góp phần mang lại hiệu quả hoạt động và thúc đẩy tăng trưởng quy mô ngành quỹ đầu tư trên TTCK. Dù vậy, tổng tài sản quản lý tại các công ty quản lý quỹ mới chỉ chiếm gần 6,5% GDP 2024, thấp hơn đáng kể so với các nước trong khu vực (như Thái Lan 21%, Malaysia 52%), còn nhiều dư địa để mở rộng, phát triển cùng với TTCK Việt Nam.

HOSE và hành trình 25 năm “Nâng giá trị - Vững niềm tin”- Ảnh 7.

Nhìn lại hành trình 25 năm hình thành và phát triển, một TTCK giao dịch tập trung tiên phong ra đời tại HOSE đã trở thành TTCK có giá trị vốn hóa lớn nhất cả nước (GTVH tại ngày 30/05/2025 là 218 tỷ USD), đáp ứng được sự mong mỏi của Chính phủ và các nhà đầu tư. Thanh khoản của thị trường đã gia tăng mạnh mẽ, từ khối lượng giao dịch bình quân/ngày trong năm 2000 chỉ có 55.497 chứng khoán tương ứng với giá trị giao dịch bình quân/ngày là 1,4 tỷ đồng thì đến nay khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch bình quân/ngày lần lượt là 846 triệu chứng khoán và 18.936 tỷ đồng. Đây là con số rất lớn, thể hiện sự tăng trưởng vượt bậc của TTCK tại HOSE. Tuy ra đời sau TTCK các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines, Indonesia nhưng sự tăng trưởng về quy mô vốn hóa và thanh khoản tại HOSE đang dần thu hẹp khoảng cách và trở thành một trong những thị trường sôi động nhất khu vực (trong năm 2024, thanh khoản trên HOSE thuộc nhóm cao, đứng thứ tư khu vực Đông Nam Á chỉ sau Thái Lan, Singapore và Indonesia). Với việc Việt Nam có khả năng lớn được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong năm nay, hứa hẹn sẽ mở rộng các kênh huy động vốn và thu hút dòng tiền đầu tư nước ngoài hơn nữa, góp phần thúc đẩy giá trị vốn hóa và thanh khoản trên thị trường.

HOSE và hành trình 25 năm “Nâng giá trị - Vững niềm tin”- Ảnh 8.

Chỉ số chứng khoán VN-Index là thước đo tăng trưởng giá chứng khoán trên thị trường. Từ 100 điểm tại ngày 28/07/2000, đã tăng đạt đỉnh cao mới 1.531,13 điểm vào ngày 24/7/2025 – VN-Index đã có một hành trình tăng trưởng đầy ấn tượng và nổi bật so với nhiều chỉ số chứng khoán khác trong khu vực Đông Nam Á và thậm chí trên thế giới, cho thấy TTCK tại HOSE trở thành một điểm đến đầu tư ngày càng hấp dẫn. Bước sang “Kỷ nguyên mới”, “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” trong bối cảnh HOSE không ngừng hoàn thiện và phát triển mạnh mẽ với việc cấu trúc lại các sàn giao dịch, chứng khoán niêm yết ngày càng nhiều và đa dạng, chất lượng được nâng cao, các tổ chức trung gian hỗ trợ tích cực, hạ tầng CNTT được đổi mới, hiện đại, nhiều sản phẩm, tiện ích giao dịch được triển khai, có cơ chế giám sát chặt chẽ bảo đảm sự minh bạch, hiệu quả… và với sức trẻ tuổi 25 cùng những thành quả đạt được trong những năm qua, TTCK tại HOSE được kỳ vọng là nơi đầu tư mang lại nhiều giá trị cho nhà đầu tư trong và ngoài nước trong thời gian qua và cả trong tương lai.

Sự gắn kết của TTCK tại HOSE với TTCK các nước thông qua việc HOSE thiết lập và duy trì nhiều mối quan hệ hợp tác chiến lược như Thành viên sáng lập Sáng kiến Liên kết ASEAN, thành viên chính thức của Liên đoàn các Sở GDCK Thế giới (WFE, đến tháng 8/2023 chuyển VNX) Sở GDCK Châu Á – Thái Bình Dương (AOSEF), đối tác của Sáng kiến Sở GDCK phát triển bền vững (SSE), các biên bản ghi nhớ (MOU) với nhiều Sở GDCK lớn trên thế giới như New York, London, Hàn quốc, Singapore… đồng thời, là nền tảng quan trọng cho sự hình thành và phát triển Trung tâm Tài chính Quốc tế tại TPHCM đã đưa TTCK tại HOSE vào bản đồ tài chính toàn cầu, nâng cao năng lực hội nhập như là minh chứng đảm bảo giá trị cho các thành viên tham gia thị trường.

HOSE và hành trình 25 năm “Nâng giá trị - Vững niềm tin”- Ảnh 9.

Từ “chứng khoán” còn là một khái niệm mơ hồ và có không ít lo lắng, hoài nghi về việc thành lập TTCK, TTCK Việt Nam ra đời với sàn giao dịch đầu tiên đặt tại HOSE đã thể hiện sự quyết tâm lớn lao và tin tưởng của Đảng và Nhà nước vào sự thành công của TTCK. Đến nay, những giá trị to lớn mà TTCK tại HOSE mang lại cho nền kinh tế Việt Nam và các thành viên tham gia thị trường đã cho thấy quyết định mang tính lịch sử đấy là hoàn toàn đúng đắn. Mặc dù, đã có những lúc TTCK thể hiện sự tăng trưởng nóng trong bối cảnh người người, nhà nhà đổ xô đi đầu tư chứng khoán hay có những lúc thị trường giảm mạnh, chịu tác động mạnh mẽ từ thị trường quốc tế như chiến tranh thương mại, dòng chảy vốn xoay chiều, tình hình bệnh dịch Covid_19 nghiêm trọng, sự cố nghẽn lệnh trên TTCK... Song, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, phối hợp với các bộ ngành, cơ quan hữu quan, các giải pháp kịp thời, phù hợp của cơ quan quản lý, sự nỗ lực của doanh nghiệp, sự đồng thuận của nhà đầu tư… những khó khăn, thách thức ấy đã được tháo gỡ, xử lý kịp thời để TTCK tiếp tục p

Để duy trì và giữ vững niềm tin đó, HOSE xác định cần phải nỗ lực và nỗ lực nhiều hơn nữa trong công tác tổ chức điều hành và quản lý hoạt động của thị trường. Theo đó, nhiều hoạt động đã được HOSE triển khai trong suốt hành trình 25 năm qua:hát triển an toàn, công khai, minh bạch và ngày càng bền vững hơn. Trải qua những giai đoạn thăng trầm, TTCK trưởng thành hơn cộng với sự gia tăng, nâng cao, mở rộng hoạt động của các CTCK, DNNY và các nhà đầu tư cho thấy một niềm tin vững chắc đã được tạo dựng, hun đúc ngày càng sâu sắc.

HOSE và hành trình 25 năm “Nâng giá trị - Vững niềm tin”- Ảnh 10.

Với chức năng chính là tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán, HOSE luôn đặt mục tiêu vận hành thị trường giao dịch chứng khoán ổn định, an toàn, thông suốt lên hàng đầu. Thực tế qua quá trình phát triển của TTCK, từ giai đoạn đầu giao dịch vài trăm triệu đồng mỗi phiên, thanh khoản thị trường tăng dần, đến nay đã nằm trong top đầu về thanh khoản trong khu vực ASEAN, hay ở những thời điểm thách thức như trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19, giai đoạn thị trường chịu áp lực từ các biến động kinh tế toàn cầu, HOSE vẫn luôn cố gắng đảm bảo hệ thống hoạt động thông suốt, xử lý hiệu quả các tình huống bất thường và duy trì niềm tin nơi nhà đầu tư.

HOSE xác định hạ tầng công nghệ là trọng tâm cốt lõi cho sự vận hành thị trường, tập trung hiện đại hóa cơ sở hạ tầng với 3 cấu phần chính: tòa nhà Exchange Tower (năm 2014), Trung tâm Dữ liệu dự phòng tại công viên phần mềm Quang Trung (năm 2016) và ngày 05/5/2025, sau thời gian triển khai dự án, hệ thống CNTT mới cho TTCK đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận và đưa vào vận hành chính thức, tạo nên một hạ tầng công nghệ hiện đại, tích hợp và đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường. Với nhiều tính năng mới được tích hợp, đây là một bước tiến cho TTCK Việt Nam, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển và phục vụ tốt hơn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, là cơ hội để triển khai các sản phẩm mới, hướng tới gần hơn mục tiêu nâng hạng thị trường.

HOSE và hành trình 25 năm “Nâng giá trị - Vững niềm tin”- Ảnh 11.

Minh bạch và công bằng luôn là những nguyên tắc cốt lõi để xây dựng niềm tin thị trường, và đó cũng là mục tiêu hàng đầu trong quá trình hoạt động của HOSE. Việc tổ chức giám sát chặt chẽ các giao dịch hàng ngày nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi thao túng, lũng đoạn thị trường, đã góp phần tăng tính tuân thủ pháp luật, củng cố niềm tin của nhà đầu tư và các tổ chức trung gian.

Công tác kiểm tra, giám sát việc công bố thông tin của các công ty niêm yết cũng được thực hiện nghiêm ngặt, gắn với việc rà soát báo cáo tài chính, báo cáo quản trị công ty, rà soát duy trì điều kiện niêm yết để xử lý khi có vi phạm, đảm bảo nhà đầu tư được tiếp cận thông tin đầy đủ, kịp thời và minh bạch. Số liệu thống kê trong 10 năm qua cho thấy số doanh nghiệp vi phạm công bố thông tin đã giảm gần 80%; từ năm 2022 đến nay đã có 13 doanh nghiệp bị hủy niêm yết do vi phạm nghiêm trọng về CBTT, một con số cho thấy mặt bằng tuân thủ đang được cải thiện rõ rệt, góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa niêm yết trên HOSE.

Cùng với đó, khi Việt Nam đang từng bước tiến tới mục tiêu nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi, nỗ lực của HOSE trong việc chuẩn hóa vận hành, hiện đại hóa hạ tầng giao dịch, đôn đốc DNNY công bố thông tin bằng tiếng Anh, nâng cao khả năng tiếp cận cho nhà đầu tư nước ngoài là những yếu tố cốt lõi giúp củng cố niềm tin từ cộng đồng quốc tế.

HOSE và hành trình 25 năm “Nâng giá trị - Vững niềm tin”- Ảnh 12.

Phát triển sản phẩm mới luôn là định hướng dài hạn mà HOSE hướng đến nhằm tạo dựng một TTCK đa dạng về sản phẩm, tiệm cận với xu thế phát triển chung của các TTCK quốc tế. HOSE đã tiên phong nghiên cứu, triển khai nhiều sản phẩm chứng khoán và nghiệp vụ mới từ đơn giản đến phức tạp nhằm phù hợp với điều kiện phát triển thị trường và nhu cầu ngày càng đa dạng của nhà đầu tư. Hàng hóa trên HOSE không chỉ có cổ phiếu, mà đã mở rộng sang các sản phẩm có cấu trúc tiên tiến, theo xu hướng đầu tư thụ động đang lan nhanh trên toàn cầu, như chứng chỉ quỹ đầu tư, chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục (ETF), chứng quyền có bảo đảm (CW), mở rộng sự chọn lựa cho nhà đầu tư, nâng cao giá trị giao dịch và gia tăng sự hấp dẫn của thị trường.

Song song đó, hệ thống các chỉ số chứng khoán cũng liên tục được phát triển để cung cấp cho thị trường thông tin đa chiều, hỗ trợ hiệu quả cho các quyết định đầu tư, đồng thời làm cơ sở phát triển các sản phẩm mới như phái sinh, ETF, CW và các sản phẩm có cấu trúc khác, được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm. Trong đó, VN-Index đã trở thành "kim chỉ nam" đo lường diễn biến giá cổ phiếu của các doanh nghiệp được niêm yết trên HOSE, từng bước tăng trưởng, đặt nền móng cho sự phát triển bộ chỉ số chứng khoán của HOSE sau này. Đến nay, hệ thống chỉ số của HOSE đã xây dựng được một hệ sinh thái đa dạng và toàn diện từ chỉ số theo quy mô vốn hóa (VN30, VN100, VNMidcap, VNSmallcap), đến chỉ số ngành (VNFIN, VNIND, VNREAL, VNCONS, …), chỉ số đầu tư/chỉ số chủ đề (VNDIAMOND, VNFINLEAD, VNFINSELECT, VNSI) và chỉ số chung (VNX50, VNXAllshare). Các chỉ số đã trở thành "la bàn" định hướng của thị trường và nền tảng phát triển cho nhiều sản phẩm tài chính, góp phần đa dạng hóa công cụ đầu tư và quản trị rủi ro.

Bên cạnh việc phát triển các sản phẩm mới, các cơ chế, giải pháp kỹ thuật được triển khai như khớp lệnh định kỳ chuyển sang khớp lệnh liên tục, mở rộng biên độ giao dịch, giao dịch trực tuyến, kéo dài thời gian giao dịch, chia nhỏ bước gia, bổ sung các loại lênh mới (lệnh thị trường, lệnh ATO, ATC…), giao dịch lô lẻ, vận hành giải pháp kỹ thuật xử lý tình trạng quá tải hệ thống giao dịch… đã góp phần nâng giá trị giao dịch tăng mạnh mẽ, đưa TTCK Việt Nam trở thành thị trường có thanh khoản thuộc nhóm cao nhất trong khu vực ASEAN.

HOSE và hành trình 25 năm “Nâng giá trị - Vững niềm tin”- Ảnh 13.

Thông qua việc phối hợp tổ chức Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên cho các doanh nghiệp niêm yết từ năm 2008, HOSE đã góp phần thiết lập các chuẩn mực về công tác quản trị doanh nghiệp, hướng đến phát triển bền vững. Sau nhiều năm đồng hành cùng TTCK Việt Nam và cộng đồng các DNNY, Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên đã được nâng tầm thành Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết (VLCA), đánh giá chuyên sâu nội dung quản trị công ty, phát triển bền vững, hướng đến hoạt động và đầu tư có trách nhiệm, góp phần tạo nên những giá trị nền tảng cho doanh nghiệp và nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường. Nhiều doanh nghiệp đã đưa vai trò của quản trị công ty và phát triển bền vững vào tầm nhìn và chiến lược dài hạn, qua đó nâng cao giá trị doanh nghiệp, gia tăng niềm tin của nhà đầu tư.

Trong bối cảnh hội nhập, các chuẩn mực áp dụng cho các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE đã từng bước tiệm cận với thông lệ toàn cầu, như việc tuân thủ các nguyên tắc báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), chỉ số ngành theo chuẩn phân ngành GICS (Global Industry Classification Standard) của MSCI, triển khai công bố thông tin bằng tiếng Anh, thiết lập các chuẩn mực về quản trị doanh nghiệp, hướng đến phát triển bền vững… Không chỉ vậy, HOSE còn chủ động mở rộng hợp tác với nhiều Sở giao dịch quốc tế, các tổ chức chuyên môn, tăng cường hoạt động ngoại giao – tất cả nhằm khẳng định cam kết minh bạch, chuyên nghiệp và phát triển bền vững cho thị trường.

Thêm vào đó, việc ra mắt chỉ số phát triển bền vững (VNSI) năm 2017 đánh dấu sự quan tâm thúc đẩy các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE hướng tới hoạt động kinh doanh có trách nhiệm xã hội và bền vững hơn. Chỉ số này được xây dựng theo chuẩn GRI (Global Reporting Initiative), một khuôn khổ báo cáo phát triển bền vững được công nhận toàn cầu. Việc tuân thủ chuẩn GRI giúp chỉ số VNSI đánh giá toàn diện các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp, tạo cơ sở vững chắc cho các sản phẩm đầu tư bền vững tại Việt Nam.

HOSE và hành trình 25 năm “Nâng giá trị - Vững niềm tin”- Ảnh 14.

Bạn đang đọc bài viết "HOSE và hành trình 25 năm “Nâng giá trị - Vững niềm tin”" tại chuyên mục CHỨNG KHOÁN. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.