
Ảnh minh hoạ
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) vừa có thông báo gửi đến khách hàng cảnh báo về một số hình thức lừa đảo mới nhằm nâng cao cảnh giác và bảo vệ thông tin tài khoản một cách an toàn.
Giả mạo Cơ quan Công an thông báo phạt vi phạm giao thông
Các đối tượng lừa đảo giả danh công an, gọi điện hoặc nhắn tin thông báo rằng người dân đã vi phạm giao thông và yêu cầu nộp phạt nguội. Một tình huống thực tế cho thấy, một người dân nhận được cuộc gọi từ "Cảnh sát giao thông TP.HCM", yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân như số CMND, địa chỉ và tài khoản ngân hàng để "xác minh" vi phạm. Sau khi tạo được lòng tin, chúng yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản để "nộp phạt". Thậm chí, các đối tượng còn gửi đường link giả mạo các trang web để đánh cắp thông tin thẻ tín dụng và tài khoản ngân hàng của nạn nhân.
Lừa đảo các gói combo du lịch nghỉ hè hấp dẫn
Thủ đoạn lừa đảo này lợi dụng nhu cầu săn vé máy bay giá rẻ và voucher du lịch. Các đối tượng lập các hội nhóm thanh lý voucher du lịch, quảng cáo các gói khuyến mãi, giảm giá tour du lịch tại các khu nghỉ dưỡng nổi tiếng. Khi khách hàng liên hệ, chúng yêu cầu chuyển khoản đặt cọc một phần tiền (thường từ 50% trở lên). Sau khi nhận tiền, trang web hoặc Fanpage bán voucher này sẽ không còn tồn tại và nạn nhân không thể liên lạc lại được.
Lừa đảo mở shop online, chạy quảng cáo
Các đối tượng lừa đảo hứa hẹn hỗ trợ khách hàng mở shop online hoặc cung cấp dịch vụ marketing với các công cụ như cài đặt dropbox, website. Chúng thuyết phục nạn nhân mở thẻ tín dụng, cung cấp thông tin cá nhân và giao quyền kiểm soát máy tính cho chúng qua phần mềm hoặc ứng dụng từ xa. Sau đó, chúng sử dụng thẻ tín dụng của nạn nhân để thực hiện các giao dịch thanh toán trái phép mà khách hàng không hề hay biết.
Lừa đảo tham gia khảo sát để nhận sản phẩm giá rẻ
Các đối tượng lừa đảo gọi điện dụ dỗ nạn nhân tham gia khảo sát trực tuyến của các nhãn hàng lớn hoặc thương hiệu nổi tiếng để nhận phần quà hoặc mua sản phẩm với giá rẻ. Tuy nhiên, trong quá trình tham gia khảo sát, nạn nhân sẽ bị dụ dỗ nhập thông tin thẻ tín dụng để thanh toán sản phẩm. Sau khi nhập thông tin, các đối tượng sẽ sử dụng các thông tin thẻ của nạn nhân để thực hiện các giao dịch trái phép và rút tiền từ tài khoản.
Nhận quà tặng miễn phí, làm nhiệm vụ để nhận hoa hồng
Các đối tượng gửi quà tặng miễn phí (thường là đồ gia dụng có giá trị nhỏ) kèm theo tờ rơi có logo của các trang mạng xã hội nổi tiếng như TikTok. Nạn nhân quét mã QR trên tờ rơi và được dẫn đến một trang Facebook giả mạo, nơi yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, hình ảnh bưu phẩm đã nhận và thực hiện các nhiệm vụ trên TikTok (ví dụ: thả tim vào các video). Sau đó, chúng yêu cầu tải ứng dụng giả mạo có tên "TIKSERVE" để tiếp tục nhiệm vụ và cuối cùng yêu cầu quyên góp tiền từ thiện để nhận hoa hồng. Đây thực chất là một hình thức lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền của nạn nhân.
Tạo lập trang (Fanpage), hội nhóm mạng xã hội giả mạo doanh nghiệp du lịch
Các đối tượng lừa đảo lập các Fanpage giả mạo các công ty du lịch hoặc các hãng bán vé máy bay lớn, đăng các chương trình khuyến mãi, giảm giá vé máy bay, tour du lịch hấp dẫn để thu hút khách hàng. Khi khách hàng liên hệ, chúng yêu cầu chuyển tiền đặt cọc để giữ chỗ với mức giá ưu đãi, đồng thời hứa hẹn sẽ hoàn tiền nếu hủy tour. Sau khi nhận tiền, các đối tượng lập tức xóa fanpage hoặc chặn liên lạc, khiến nạn nhân không thể yêu cầu hoàn lại tiền.
Kêu gọi đầu tư tài chính, tiền ảo với lợi nhuận cao
Các đối tượng lập các website và ứng dụng đầu tư tài chính giả mạo, hứa hẹn lãi suất cao và khả năng rút vốn dễ dàng. Ban đầu, chúng trả lãi đầy đủ để tạo lòng tin từ nạn nhân. Tuy nhiên, khi nạn nhân tiếp tục đầu tư với số tiền lớn hơn, các đối tượng lập tức chặn tài khoản và chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà nạn nhân đã đầu tư.
Mạo danh dịch vụ hỗ trợ lấy lại tiền đã bị lừa
Các đối tượng lập tài khoản giả mạo dịch vụ "lấy lại tiền", quảng cáo rằng có thể giúp những người từng bị lừa đảo lấy lại tiền đã mất. Chúng liên tục gọi điện, nhắn tin và yêu cầu nạn nhân phải trả trước "phí dịch vụ". Sau khi thu được tiền từ nạn nhân, các đối tượng biến mất, cắt đứt liên lạc và không hoàn lại số tiền đã thu.
Cách thức chung mà các đối tượng lừa đảo thường áp dụng gồm:
1. Gửi link cài app chứa mã độc: App này đánh cắp OTP, thông tin đăng nhập, mật khẩu và chuyển tiền khỏi tài khoản của nạn nhân
2. Lừa đảo qua mã QR: Gửi mã QR dẫn đến trang web giả mạo ngân hàng, yêu cầu khách hàng nhập họ tên, thông tin giấy tờ tùy nhân, số thẻ, ngày hết hạn thẻ, mã OTP... Sau đó, sử dụng thông tin thẻ để chiếm đoạt tiền trong tài khoản
3. Yêu cầu cung cấp thông tin thẻ, mã CVV, ngày hết hạn, mã OTP: Dẫn dắt Khách hàng phát hành thẻ trên App, tra cứu và cung cấp thông tin thẻ để thực hiện giao dịch thanh toán online nhằm chiếm đoạt hạn mức thẻ của khách hàng
MB khuyến nghị khách hàng
Không kết nối app lạ vào tài khoản ngân hàng cá nhân hoặc tài khoản của doanh nghiệp khi chưa được xác minh.
Không chia sẻ thông tin cá nhân như địa chỉ, số điện thoại trên mạng xã hội.
Không quét mã QR, quay video khi không biết rõ nội dung. Không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP, thông tin thẻ, mã CVV.
Không click vào đường link nếu không xác minh rõ ràng thông tin của người yêu cầu.
Không lưu thông tin ngân hàng trên ứng dụng, website không rõ nguồn gốc, thường xuyên cập nhật bảo mật.
Không chuyển tiền, thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ không rõ ràng. Luôn liên hệ ngân hàng qua kênh chính thức khi có nghi vấn.