Ngoài VinSpeed, hai doanh nghiệp Việt này cũng muốn tham gia siêu dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam

15/05/2025 20:14

Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam đang nhận được sự chú ý lớn từ doanh nghiệp trong nước.

Thông tin VinSpeed vừa chính thức đăng ký đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam đã nhận được sự quan tâm lớn. Theo đó, đơn vị này đề xuất triển khai dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 1.562 nghìn tỷ đồng (tương đương 61,35 tỷ USD), chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng.

Trong đề xuất gửi cơ quan chức năng, VinSpeed cam kết thu xếp 20% vốn (khoảng 312,33 nghìn tỷ đồng, tương đương 12,27 tỷ USD), phần còn lại sẽ được vay từ nguồn vốn Nhà nước với lãi suất 0% trong vòng 35 năm kể từ ngày giải ngân.

Trước VinSpeed, vào tháng 10/2024, Tập đoàn Đèo Cả đã gửi văn bản kiến nghị lên Chính phủ, đề xuất một số giải pháp để thúc đẩy các dự án hạ tầng trọng điểm, trong đó có đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Đèo Cả bày tỏ mong muốn Chính phủ ưu tiên cho các doanh nghiệp trong nước đủ năng lực tham gia các dự án lớn, đồng thời đề xuất được tổ chức học hỏi kinh nghiệm từ các tập đoàn nước ngoài.

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ: “Để xuất Nhà nước hỗ trợ tổ chức cho doanh nghiệp Việt Nam học tập kinh nghiệp của doanh nghiệp lớn nước ngoài về triển khai các công trình quy mô lớn; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của một số bộ, ngành liên quan tiêu chuẩn, định mức chuyên ngành, mô hình BIM để áp dụng cho các công trình ngành giao thông, đặc biệt là công trình đường sắt tốc độ cao…”.

Tập đoàn Đèo Cả cũng kiến nghị việc tổ chức thực hiện dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam cần tách thành hai hợp phần: Hợp phần 1 bao gồm các hạng mục cầu, đường, hầm cần giao cho doanh nghiệp trong nước thực hiện tương tự các dự án đường bộ cao tốc vừa qua; Hợp phần 2 bao gồm phần đầu máy toa xe, hệ thống thông tin tín hiệu… giao cho Doanh nghiệp trong nước liên danh với Doanh nghiệp nước ngoài.

Bên cạnh Tập đoàn Đèo Cảo, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát - ông Trần Đình Long cũng đã bày tỏ sự quan tâm mạnh mẽ đến dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Ông khẳng định Hòa Phát đã nghiên cứu và hoàn toàn có đủ năng lực sản xuất các loại thép cần thiết, đặc biệt là thép đường ray.

Ông Long cho biết: “Từ hai ba năm nay chúng tôi đã nghiên cứu dòng sản phẩm này. Tôi khẳng định việc sản xuất thép đường ray hoàn toàn nằm trong khả năng của Hòa Phát. Nếu Chính phủ, Thủ tướng giao cho doanh nghiệp làm, thì Hòa Phát có thể làm nhiều loại thép cung cấp cho dự án, không riêng thép đường ray”.

Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam dự kiến hoàn thành vào 2040

Theo Nghị quyết số 172/2024/QH15, dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam có chiều dài khoảng 1,541km, bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) đến ga Thủ Thiêm (TPHCM), đi qua 20 tỉnh, thành phố.

Tốc độ thiết kế của dự án là 350km/h, toàn tuyến có 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa với cự ly trung bình khoảng 67km giữa các ga hành khách. Dự án có tổng vốn đầu tư sơ bộ khoảng 1,7 triệu tỷ đồng, tương đương 67 tỷ USD. Trong đó, 80% từ ngân sách nhà nước, 20% từ nguồn vay ODA hoặc các nguồn hợp pháp khác.

Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam được xác định là một trong những công trình hạ tầng giao thông trọng điểm mang tầm quốc gia, với mục tiêu khởi công vào cuối năm 2026 và hoàn thành giai đoạn đầu vào năm 2040.

Ngoài VinSpeed, hai doanh nghiệp Việt này cũng muốn tham gia siêu dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam- Ảnh 1.

Lộ trình triển khai được chia làm hai giai đoạn: giai đoạn 1 (2026–2032) ưu tiên đầu tư hai đoạn tuyến có nhu cầu vận tải cao nhất là Hà Nội – Vinh và Nha Trang – TP.HCM; giai đoạn 2 (2032–2040) sẽ tiếp tục hoàn thiện các đoạn còn lại để nối thông toàn tuyến. Bên cạnh đó, Chính phủ đang xây dựng hành lang pháp lý, chính sách huy động vốn và cơ chế hợp tác công – tư (PPP) để đảm bảo tính khả thi của dự án trong bối cảnh nguồn ngân sách còn hạn chế.

Về ý nghĩa và tác động, đường sắt cao tốc Bắc – Nam không chỉ đơn thuần là một phương tiện vận tải hiện đại mà còn là động lực chiến lược cho phát triển bền vững và tái cấu trúc không gian kinh tế quốc gia.

Trước hết, dự án này được kỳ vọng sẽ rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển giữa hai miền Nam – Bắc từ hơn 30 giờ (với tàu thường) xuống còn khoảng 5–6 giờ, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa và đi lại của người dân. Qua đó, nó sẽ giảm áp lực cho hệ thống giao thông đường bộ và hàng không, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường.

Về mặt kinh tế, tuyến đường sắt cao tốc sẽ mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho các tỉnh thành dọc tuyến, đặc biệt là các trung tâm vùng, nhờ khả năng thu hút đầu tư, du lịch và thương mại. Ngoài ra, dự án còn có ý nghĩa chiến lược trong việc thúc đẩy chuyển đổi năng lượng sạch và giảm phát thải carbon, phù hợp với cam kết của Việt Nam trong việc đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Không dừng lại ở đó, đường sắt cao tốc còn thể hiện tầm nhìn dài hạn trong quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đưa Việt Nam tiệm cận các chuẩn mực về giao thông của các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Bạn đang đọc bài viết "Ngoài VinSpeed, hai doanh nghiệp Việt này cũng muốn tham gia siêu dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam" tại chuyên mục CHỨNG KHOÁN. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.