Sập bẫy, mất trắng tiền tỷ vì nỗi sợ và lòng tham

11/05/2025 12:12

Chỉ vì hám lợi, hàng nghìn người dân đã sập bẫy các “sàn ngọc ảo” và công ty tài chính “ma” do những băng nhóm tội phạm cầm đầu, để rồi hàng loạt gia sản bị cuốn phăng...

Pho Duc Nam Mr Pips anh 1

30 đối tượng trong đường dây lừa đảo đã bị bắt giữ. Ảnh: CACC.

Chiêu trò "cắt đá tìm ngọc": Trò chơi ảo, thiệt hại thật

Mới đây, Công an tỉnh Quảng Ninh đã triệt phá một đường dây lừa đảo tinh vi với tên gọi “cắt đá tìm ngọc”, một trò chơi giả tưởng trên không gian mạng, do Trần Thị Chi (SN 1989), Vũ Văn Hải (SN 1995) cùng một số đối tượng người Trung Quốc tổ chức.

Bề ngoài là một trò chơi giúp người chơi kiếm lời, thực chất là cỗ máy hút tiền trắng trợn. Nhóm đối tượng này thuê nhà tại Đông Hưng (Trung Quốc), tuyển người Việt sang làm việc với mức lương “hấp dẫn” từ 5.000 - 6.000 NDT/tháng. Họ phân vai rõ ràng: người livestream, người đóng vai “bình luận giả”, người nhận tiền...

Pho Duc Nam Mr Pips anh 2

Vũ Văn Hải, một trong những đối tượng cầm đầu của đường dây lừa đảo. Ảnh: CACC.

Vũ Văn Hải khai: “Chị Chi phụ trách gọi khách chơi, tôi nhận tiền chuyển khoản, người Trung Quốc quản lý kỹ thuật... Mỗi nhóm 4 người hoạt động nhịp nhàng để tạo lòng tin rồi dụ người chơi nạp tiền".

Tòa nhà tại Trung Quốc được các đối tượng thuê để làm địa điểm tổ chức cắt đá lừa đảo. Các viên đá được phun sơn như thật, sau đó, các đối tượng dùng điện thoại để livestream cắt đá tìm ngọc. Ảnh: CACC

Kết quả điều tra cho thấy, chỉ trong vài tháng kể từ tháng 8/2024, nhóm này đã thực hiện hơn 100.000 giao dịch, chiếm đoạt số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng.

“Phù thủy tài chính” Phó Đức Nam và cú lừa hơn 5.300 tỷ đồng

Một đường dây lừa đảo khác do Phó Đức Nam (SN 1994, Bà Rịa - Vũng Tàu, biệt danh Mr Pips) cầm đầu đã khiến hàng nghìn người “cháy tài khoản” sau những lời hứa hẹn như “lãi khủng, rút tiền dễ dàng”.

Pho Duc Nam Mr Pips anh 6

Nam và Lê Khắc Ngọ (SN 1990, Hà Nội) giả danh Công ty TNHH Artex Vina cùng nhiều công ty “ma”, mở 44 văn phòng trên toàn quốc, tiếp cận nạn nhân qua Zalo, Telegram và dụ dỗ đầu tư vào các sàn chứng khoán quốc tế giả mạo.

Ban đầu, chúng cho phép rút tiền lãi nhỏ để tạo niềm tin, sau đó dụ khách hàng tăng vốn, giao dịch lớn hơn. Khi tài khoản bị “cháy”, chúng tiếp tục thao túng tâm lý bằng cách hối thúc “chuyển thêm để gỡ vốn”, rồi đột ngột biến mất, tài khoản bị phong tỏa, liên lạc bị cắt đứt.

Số tiền lừa đảo được nhóm đối tượng dùng để mua siêu xe, du thuyền, bất động sản... và phô trương trên mạng xã hội nhằm tiếp tục thu hút thêm nạn nhân.

Pho Duc Nam Mr Pips anh 10

Nhiều siêu xe tiền tỷ trong đường dây bị cơ quan công an thu giữ. Ảnh: CACC.

Hơn 1.000 học sinh, sinh viên liên quan vụ án Mr Pips

Vừa qua, trao đổi với cử tri, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công an TP Hà Nội, cho biết, tình hình tội phạm công nghệ cao đang diễn biến ngày càng phức tạp, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.

Các đối tượng tội phạm lợi dụng tính ẩn danh của không gian mạng và địa bàn nước ngoài để lừa đảo người dân trong nước. Thậm chí có hiện tượng người Việt sang nước ngoài để lừa người Việt trong nước.

Ông Tùng cho biết, trong năm 2024, Công an TP Hà Nội đã triệt phá hai vụ án đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến loại tội phạm này.

Vụ thứ nhất liên quan đến đường dây của Phó Đức Nam và Lê Khắc Ngọ, cơ quan công an đã bắt giữ, khởi tố về các tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Không tố giác tội phạm" và "Rửa tiền" đối với 33 bị can, truy nã quốc tế 5 bị can, thu giữ tài sản lên đến 5.300 tỷ đồng.

Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết biết thêm, có đến hơn 1.000 học sinh, sinh viên liên quan và “những người này sẽ rơi vào vòng lao lý”, "phải xử lý nghiêm bởi biết là lừa đảo nhưng vẫn tham gia vào".

Pho Duc Nam Mr Pips anh 11

Nhóm đối tượng trong đường dây của Phó Đức Nam. Ảnh: CACC.

Thứ hai là vụ đối tượng Đỗ Huy Hoàng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với thủ đoạn dụ dỗ người dân chuyển tiền để đầu tư tiền ảo. Cơ quan chức năng thu giữ tổng giá trị các tài sản xe ô tô, bất động sản khoảng 500 tỷ đồng, phối hợp với các ngân hàng, tổ chức tín dụng phong tỏa số tiền 22 tỷ đồng.

“Lỗi này phần lớn đến từ người dân, mặc dù Công an Hà Nội nói riêng và lực lượng công an cả nước nói chung, cùng với các cơ quan thông tấn, báo chí đã nhiều lần cảnh báo”, ông Tùng nói và cho rằng việc này “đáng phải lên án”.

Sách hay về xã hội

Văn minh Việt Nam - nhà dân tộc học Georges Condominas từng nhận xét tác phẩm này là “Cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”.

Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Bạn đang đọc bài viết "Sập bẫy, mất trắng tiền tỷ vì nỗi sợ và lòng tham" tại chuyên mục TÀI CHÍNH. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.