Dựa trên các thông lệ tốt toàn cầu và đặt trong bối cảnh đặc thù của Việt Nam, bài viết này nêu bật những yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp chuyển đổi thành công.

Tác giả bài viết - Bà Đào Thiên Hương, Phó Tổng Giám đốc, Lãnh đạo Dịch vụ EY-Parthenon – Tư vấn Chiến lược, Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam
1. Triển khai chiến lược chuyển đổi theo chu kỳ 2-3 năm
Sự biến động địa chính trị, ví dụ như các chính sách gần đây của Tổng thống Trump đã ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng và thương mại toàn cầu. Hay sự thay đổi về công nghệ và đặc biệt là sự thay đổi về thói quen và kỳ vọng của người tiêu dùng theo hướng xanh hơn khiến các doanh nghiệp cần phải giải bài toán về chiến lược chuyển đổi của mình một cách nghiêm túc và kịp thời hơn. Theo nghiên cứu của chúng tôi, xây dựng chương trình chuyển đổi theo chu kỳ 2–3 năm là một thông lệ tốt mà nhiều doanh nghiệp trên thế giới đang áp dụng.
Cách tiếp cận này cho phép doanh nghiệp cập nhật và liên tục điều chỉnh các chương trình chuyển đổi để phù hợp hơn với diễn biến thị trường. Việc điều chỉnh theo chu kỳ 2-3 năm cũng cho phép doanh nghiệp có đủ thời gian để thực thi và hiện thực hóa lợi ích từng chương trình thành phần.
Từ quá trình tư vấn cho nhiều doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung đang chú trọng hơn đến chuyển đổi và cải tiến quy trình hoạt động. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp chỉ thực hiện các dự án chuyển đổi nhỏ lẻ và thường dừng lại sau khi hoàn thành một số bước nhất định. Hoặc họ chỉ thực hiện dự án chuyển đổi một lần mà không có kế hoạch tái đánh giá hoặc cải tiến liên tục, dẫn đến việc không đạt được hiệu quả tối ưu.
Lộ trình thực hiện các dự án chuyển đổi thường phụ thuộc vào quy mô và mục tiêu của từng doanh nghiệp. Một số dự án có thể kéo dài từ 6 đến 24 tháng, trong khi những dự án lớn hơn có thể cần thời gian dài hơn để triển khai và đạt được kết quả mong muốn.
2. Đội ngũ lãnh đạo linh hoạt và có tầm nhìn
Một nghiên cứu do EY cùng University of Oxford’s Saïd Business School thực hiện năm 2022 cho thấy 47% người tham gia khảo sát trong các dự án chuyển đổi hiệu quả cho biết lãnh đạo của họ tiếp thu ý kiến từ nhân viên cấp thấp hơn, trong khi con số này chỉ là 29% trong các dự án chuyển đổi kém hiệu quả. Ngoài ra, 52% người tham gia khảo sát tại các dự án chuyển đổi thành công cho rằng lãnh đạo của họ ra quyết định vì lợi ích tổng thể của tổ chức chứ không vì lợi ích cá nhân hay phòng ban.
Kết quả nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của đội ngũ lãnh đạo có tầm nhìn và khả năng thích nghi trong các dự án chuyển đổi. Một nhà lãnh đạo linh hoạt sẽ giúp toàn bộ tổ chức hiểu được thông điệp, ý nghĩa đằng sau một dự án chuyển đổi, cũng như phân bổ nguồn lực cần thiết để đạt được mục tiêu đề ra. Khảo sát cho thấy nhân viên đánh giá cao vai trò của lãnh đạo và cho rằng đây là yếu tố then chốt, quyết định thành công hay thất bại trong một dự án chuyển đổi.
3. Đặt con người làm trung tâm
Cũng theo nghiên cứu trên, người khảo sát tham gia các dự án chuyển đổi kém hiệu quả cho rằng họ cảm thấy không được lắng nghe, cảm thấy lo lắng, bất an và thiếu sự hỗ trợ cần thiết trong và sau các dự án chuyển đổi. Cảm giác bị lỗi thời, bất an, mất vị thế là những cảm xúc khá phổ biến trong những công ty thực hiện các dự án chuyển đổi lớn. Một mô hình dự đoán gần đây của EY cũng cho thấy nếu công ty có cơ chế hỗ trợ giải quyết những lo lắng, cảm xúc của nhân viên sẽ tăng khả năng thành công của một dự án chuyển đổi lên 17%.
Do đó, việc thiết lập một hệ thống để đảm bảo toàn bộ nhân viên có thể đặt câu hỏi, chia sẻ ý kiến và giải đáp thắc mắc đóng một vai trò quyết định trong bất kỳ một dự án chuyển đổi thành công nào. Các nhà lãnh đạo cần lắng nghe nhân viên của mình nói gì, lo lắng điều gì và giải quyết những lo lắng đó theo cách xây dựng. Nói cách khác, một dự án chuyển đổi thành công cần đặt con người, nhân viên của mình làm trung tâm.
4. Phát huy giá trị của công nghệ số
Trong các dự án chuyển đổi, chuyển đổi số là động lực then chốt, đóng góp lớn vào thành công của doanh nghiệp. Các dự án chuyển đổi số góp phần giúp doanh nghiệp mang tới trải nghiệm khách hàng liền mạch và nâng cao hiệu quả vận hành.
Khảo sát Chỉ số Đầu tư Kỹ thuật Số EY-Parthenon (EY-Parthenon Digital Investment Index Survey) năm 2022, cho thấy khách hàng là trung tâm của các chương trình chuyển đổi số của hầu hết các doanh nghiệp, với trải nghiệm khách hàng có kết quả cải thiện cao nhất. Hơn một nửa (55%) các lãnh đạo tham gia khảo sát cho rằng cải thiện trải nghiệm khách hàng là lĩnh vực có tác động tích cực từ các dự án chuyển đổi số của doanh nghiệp. Các dự án chuyển đổi số cho phép doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào các điểm chạm trên hành trình trải nghiệm của khách hàng, từ đó có thể kết nối một cách chặt chẽ với khách hàng.

5. Xem dữ liệu là tài sản chiến lược
Các doanh nghiệp chuyển đổi thành công đều coi dữ liệu là tài sản giá trị và tích hợp các biện pháp an ninh mạng để bảo vệ dữ liệu một cách hiệu quả. Khi doanh nghiệp càng số hóa mạnh mẽ thì khả năng bị tấn công mạng càng gia tăng, làm tăng nguy cơ vi phạm quy định về dữ liệu và quyền riêng tư. Do đó, ngoài xây dựng cơ sở dữ liệu, doanh nghiệp cần triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh mạng với các chính sách bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư một cách toàn diện.
Từ năm 2018, Liên minh Châu Âu đã ban hành Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR), yêu cầu các tổ chức phải tuân thủ các tiêu chuẩn cao về bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư của cá nhân. Các quy định này không chỉ áp dụng cho các công ty trong EU mà còn cho bất kỳ tổ chức nào xử lý dữ liệu của công dân EU.
Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia cũng đã ban hành các quy định nghiêm ngặt về bảo vệ dữ liệu cá nhân nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và đảm bảo an toàn thông tin. Tại Việt Nam, nhiều luật, nghị định đã được ban hành nhằm bảo vệ dữ liệu cá nhân, như Luật an toàn thông tin mạng ban hành tháng 11 năm 2015, Luật Dữ liệu ban hành tháng 11 năm 2024, và Nghị định 13/2023/NĐ-CP ban hành tháng 4 năm 2023, đã tạo khung pháp lý cho việc bảo vệ dữ liệu cá nhân. Các quy định này yêu cầu các tổ chức và doanh nghiệp phải có trách nhiệm trong việc thu thập, lưu trữ, và xử lý dữ liệu cá nhân, đồng thời phải thông báo cho người dùng về cách thức sử dụng dữ liệu của họ.
Đặc biệt, Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân đang được thảo luận tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XV, nếu được thông qua sẽ hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong nước, tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân, đẩy mạnh sử dụng dữ liệu cá nhân đúng pháp luật, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.
Dựa trên các thông tin đã công bố, trong những năm vừa qua, Việt Nam chứng kiến sự gia tăng đáng kể các sự cố an ninh mạng, bao gồm các vụ rò rỉ dữ liệu và tấn công mạng nhằm vào doanh nghiệp. Các vụ tấn công mạng không chỉ gây thiệt hại về tài chính mà còn làm tổn hại đến uy tín doanh nghiệp và lòng tin của khách hàng. Việc tuân thủ các quy định về bảo mật dữ liệu trở nên cực kỳ quan trọng để bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng và giảm thiểu rủi ro bị tấn công mạng.
6. Đầu tư phát triển nhân lực
Theo quan sát của EY, các doanh nghiệp chuyển đổi thành công đều chủ động giải quyết khoảng trống kỹ năng để đảm bảo nhân viên có thể đóng góp hiệu quả cho quá trình chuyển mình của doanh nghiệp.
Các dự án chuyển đổi thường liên quan tới việc áp dụng các công nghệ và quy trình mới. Một lực lượng lao động có kỹ năng là trụ cột cho mọi nỗ lực chuyển đổi. Đầu tư phát triển nguồn nhân lực sẽ giúp doanh nghiệp đảm bảo nhân sự của mình có đủ kỹ năng để sử dụng công nghệ một cách hiệu quả nhất.
Bằng cách đầu tư phát triển nguồn nhân lực, các tổ chức có thể xây dựng văn hóa học tập liên tục và linh hoạt, giúp nhân viên đón nhận và thích ứng nhanh hơn với phương thức làm việc mới và thích ứng một cách linh hoạt với sự thay đổi của môi trường kinh doanh.
Có thể nói, chuyển đổi doanh nghiệp thành công tại Việt Nam đòi hỏi một cách tiếp cận cân bằng, kết hợp giữa thông lệ toàn cầu và sự hiểu biết sâu sắc đặc thù bản địa. Bằng cách tập trung vào chiến lược chuyển đổi có cấu trúc, lãnh đạo linh hoạt, đặt con người làm trung tâm, ứng dụng công nghệ số, quản trị dữ liệu và phát triển nhân tài, các doanh nghiệp Việt Nam có thể điều hướng tốt hơn trong bối cảnh thị trường hiện nay và đạt được tăng trưởng bền vững.
Ghi chú dành cho độc giả: Quan điểm trong bài báo này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của tổ chức EY toàn cầu và các thành viên.
Tác giả: Bà Đào Thiên Hương, Phó Tổng Giám đốc, Lãnh đạo Dịch vụ EY-Parthenon – Tư vấn Chiến lược, Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam