Thỏa thuận thuế quan Việt Nam - Mỹ: Doanh nghiệp đã có kinh nghiệm

07/07/2025 12:16

Thỏa thuận thương mại là cơ hội để Việt Nam hút dòng vốn ngoại. Các doanh nghiệp cũng đã tích lũy kinh nghiệm ứng phó, sẵn sàng điều chỉnh chiến lược để duy trì thị phần.

Các doanh nghiệp Việt Nam đã tích lũy kinh nghiệm ứng phó với biến động, sẵn sàng điều chỉnh chiến lược để duy trì thị phần. Ảnh: Quỳnh Danh.

Sau cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump tối 2/7, Việt Nam và Mỹ đã đạt được đồng thuận bước đầu về một thỏa thuận thuế quan. Bước tiến này được thị trường nhận định là một tín hiệu tích cực quan trọng trong việc giảm thiểu rủi ro thương mại và chính sách, đồng thời mở rộng dư địa thu hút dòng tiền đầu tư dài hạn vào thị trường tài chính.

Ngành điện tử, dược phẩm và năng lượng ít chịu ảnh hưởng

Ông Phạm Lưu Hưng, chuyên gia kinh tế trưởng, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI - đánh giá thỏa thuận thuế quan giữa Việt Nam và Mỹ là “tín hiệu rất tích cực”. Dù các mức thuế áp dụng vẫn chưa được thống nhất hoàn toàn, dự kiến xoay quanh mốc 20%, ông Hưng nhận định đây không phải là một con số đáng lo ngại.

Đồng tình với quan điểm này, TS. Đặng Thảo Quyên - Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Kinh doanh quốc tế tại Đại học RMIT - cho rằng những thay đổi gần đây trong chính sách thương mại của Mỹ, đặc biệt là thỏa thuận thuế quan mới áp lên hàng hóa Việt Nam, dù mở ra một số triển vọng, nhưng sẽ không mang lại lợi ích đồng đều cho tất cả nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Một số ngành có thể duy trì khả năng chống chịu tốt, trong khi những ngành khác sẽ đối mặt với áp lực lớn hơn. Do đó, phản ứng chính sách kịp thời và linh hoạt từ phía Chính phủ sẽ đóng vai trò then chốt trong việc duy trì sức hút FDI.

Trong bức tranh đó, các ngành công nghệ cao như điện tử, dược phẩm và năng lượng được dự báo ít bị ảnh hưởng bởi thuế quan nhờ hưởng lợi từ các chính sách miễn trừ cũng như sự quan tâm gia tăng từ giới đầu tư quốc tế. Đây là kết quả tích cực từ những nỗ lực chính sách dài hạn của Việt Nam trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ và phát triển bền vững.

thoa thuan thuong mai anh 1

Các ngành công nghệ cao như điện tử, dược phẩm và năng lượng được dự báo ít bị ảnh hưởng bởi thuế quan. Ảnh: Khương Nha.

Các khoản đầu tư gần đây như việc Amkor Technology cam kết rót thêm 1,07 tỷ USD vào Bắc Ninh hay dự án 4,9 triệu USD của BE Semiconductor Industries N.V. tại Khu công nghệ cao TP.HCM là những minh chứng rõ nét cho xu hướng này.

Ngược lại, các ngành xuất khẩu truyền thống như dệt may, da giày và đồ gỗ lại đang đối mặt với khó khă từ mức thuế mới.

Báo cáo mới của Maybank Research cũng nhận xét mức thuế 20% dù đáng kể, nhưng vẫn nằm trong khả năng ứng phó của phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là những ngành có tỷ lệ nội địa hóa cao.

Hiện tỷ lệ nội địa hóa của ngành nông nghiệp vào khoảng 65%, điện tử khoảng 50% và dệt may là 45%. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động ứng phó bằng cách đàm phán lại hợp đồng với đối tác Mỹ, chia sẻ chi phí, điều chỉnh giá bán, hoặc tìm kiếm thị trường thay thế để giảm phụ thuộc vào Mỹ.

Về dài hạn, chênh lệch thuế quan giữa Việt Nam và các quốc gia cạnh tranh trong khu vực chỉ ở mức 5-10%. Đáng chú ý, khoảng cách này với Trung Quốc tạm thời nới rộng lên đến 35%, giúp Việt Nam nổi bật hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm điểm đến mới cho chuỗi cung ứng.

Kỳ vọng dòng vốn ETF và FDI

Việc Việt Nam và Mỹ bước đầu đạt được một thỏa thuận thương mại trong bối cảnh căng thẳng thuế quan toàn cầu leo thang được ông Lê Kim Quang - Cố vấn tài chính tại CTCP Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT - đánh giá là tạo hiệu ứng tâm lý tích cực ban đầu cho thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng thực chất sẽ phụ thuộc vào nội dung chi tiết của thỏa thuận, khả năng triển khai trong thực tế và mức độ thích ứng của doanh nghiệp khi thuế suất chính thức được áp dụng.

“Về mặt tâm lý, thỏa thuận này có thể tạm thời xoa dịu lo ngại rủi ro thương mại, đặc biệt trong nhóm nhà đầu tư theo xu hướng vĩ mô. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán vốn phản ứng nhanh với thông tin, và nếu kỳ vọng tích cực đã phần nào được phản ánh vào giá trước đó, dư địa tăng trưởng ngắn hạn có thể bị thu hẹp”, ông Quang nhận định.

thoa thuan thuong mai anh 2

Ông Lê Kim Quang, Cố vấn tài chính tại CTCP Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT. Ảnh: NVCC.

Xét theo ngành, nhóm xuất khẩu như dệt may, da giày, điện tử, logistics và bất động sản khu công nghiệp có thể chịu áp lực nhất định.

Tuy nhiên, mức thuế dự kiến 20% vẫn được xem là “giảm thiểu rủi ro” so với các kịch bản thuế cao hơn, và ông Quang đánh giá nhiều doanh nghiệp trong nhóm này đã tích lũy kinh nghiệm ứng phó với biến động, sẵn sàng điều chỉnh chiến lược để duy trì thị phần.

Trong khi đó, các ngành phục vụ tiêu dùng nội địa như bán lẻ, năng lượng, dịch vụ thiết yếu có thể được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ, dù vẫn bị ảnh hưởng gián tiếp nếu xuất khẩu suy yếu kéo theo sức mua chung giảm.

Vị cố vấn tài chính của FIDT cũng lưu ý tác động tích cực ngắn hạn là có thể thấy rõ, song ảnh hưởng trung và dài hạn sẽ phụ thuộc vào các yếu tố căn bản như năng lực nội địa hóa, chính sách hỗ trợ và khả năng duy trì lợi nhuận của doanh nghiệp trước môi trường thuế mới.

Ở góc nhìn vĩ mô, chuyên gia kinh tế trưởng SSI Phạm Lưu Hưng cho rằng câu chuyện quan trọng hơn không nằm ở con số thuế là bao nhiêu % mà là việc Việt Nam đã kiểm soát tốt rủi ro chính sách và xây dựng được niềm tin dài hạn với dòng vốn ngoại.

Đây là yếu tố có thể mở ra một chu kỳ định giá lại cho các cổ phiếu có nền tảng tài chính vững chắc và gắn với tăng trưởng nội tại. Nhà đầu tư theo đó sẽ quay trở lại tập trung vào những cổ phiếu có cơ bản tốt, thanh khoản cao và tỷ lệ free-float ổn định.

Trong bức tranh chung của thị trường, SSI Research đánh giá nếu Việt Nam được nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi, đặc biệt trong kỳ đánh giá tháng 10 tới của FTSE Russell thì dòng tiền từ các quỹ ETF sẽ chảy mạnh hơn vào thị trường.

Ông Hưng thậm chí nhận định xác suất được FTSE nâng hạng có thể lên tới 90%. Trong kịch bản này, khoảng 20-30 cổ phiếu sẽ được đưa vào các rổ chỉ số, trong đó những mã vốn hóa lớn như Vinamilk, Hòa Phát… sẽ hưởng lợi lớn nhờ lực mua ròng từ khối ngoại.

SSI Research cũng giữ nguyên dự báo lợi nhuận sau thuế của nhóm cổ phiếu phi tài chính có vốn hóa vừa và lớn sẽ tăng khoảng 13% trong năm 2025, tương ứng với kịch bản VN-Index vận động quanh mốc 1.400 điểm. Tuy nhiên, ông Hưng nhấn mạnh nhà đầu tư nên ưu tiên các doanh nghiệp có nội lực bền vững thay vì chạy theo sóng đầu cơ ngắn hạn dựa trên thông tin tức thời.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư trở thành khái niệm phổ biến. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra trong nước và thế giới. Không chỉ tập trung vào các lĩnh vực đầu tư phổ biến như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu, ngoại hối, tiền ảo... Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.

Bạn đang đọc bài viết "Thỏa thuận thuế quan Việt Nam - Mỹ: Doanh nghiệp đã có kinh nghiệm" tại chuyên mục TÀI CHÍNH. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.