![]() |
Thủ tướng cho biết các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn lực về tài chính, tín dụng, đất đai. Ảnh: VPG/Nhật Bắc. |
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị sáng nay (18/5), Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết sau gần 40 năm đất nước mở cửa, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế.
5 giai đoạn phát triển của kinh tế tư nhân
Theo đó, khu vực kinh tế này đã đi qua 5 giai đoạn phát triển từ năm 1986 đến nay gồm: Năm 1986-1999 là giai đoạn hình thành và thừa nhận kinh tế tư nhân; Năm 2000-2005 là giai đoạn khởi sắc và lần đầu ban hành Luật Doanh nghiệp để phát triển kinh tế tư nhân; Năm 2006-2015 là giai đoạn hội nhập và mở rộng phát triển kinh tế tư nhân; Năm 2016-2024 là giai đoạn khởi nghiệp bùng nổ, động lực phát triển kinh tế tư nhân; Và từ đầu năm 2025 đến nay là giai đoạn định hướng phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, tích cực chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả.
Về đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân, người đứng đầu Chính phủ cho biết khu vực này đến nay đã trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách; tạo sinh kế, thu nhập cho nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội; thúc đẩy hội nhập quốc tế…
Trong đó, số lượng doanh nghiệp thành lập đã tăng mạnh từ 5.000 doanh nghiệp năm 1990 lên 50.000 doanh nghiệp năm 2000 và đạt 200.000 doanh nghiệp vào năm 2005, tức tăng 40 lần sau 15 năm. Đến nay, cả nước đã có gần 1 triệu doanh nghiệp hoạt động trong tất cả lĩnh vực của nền kinh tế.
Khu vực kinh tế tư nhân cũng đã duy trì tốc độ tăng trưởng khá, trở thành khu vực đóng góp lớn nhất với hơn 50% GDP. Từ năm 2016 đến nay, tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân đạt 6-8%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân cả nước. Trong giai đoạn 2017-2024, khu vực tư nhân sử dụng bình quân hơn 43,5 triệu lao động, chiếm 82% tổng số lao động có việc làm trong nền kinh tế; tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực này trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng từ 44% năm 2010 lên 56% năm 2024; đóng góp hơn 30% tổng thu ngân sách, 30% tổng kim ngạch xuất khẩu…
Còn nhiều tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những ưu điểm cơ bản kể trên, người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra một số hạn chế, bất cấp còn tồn tại trong khu vực kinh tế tư nhân.
Trong đó, mục tiêu về phát triển kinh tế tư nhân tại Nghị quyết 10 năm 2017 là đến năm 2025, cả nước có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, đóng góp 55% GDP, đến nay vẫn chưa đạt được. Tuy nhiên, Thủ tướng kỳ vọng từ nay đến cuối năm, khi Nghị quyết 68 đi vào cuộc sống sẽ có chuyển biến mạnh hơn và có thể đạt mục tiêu đóng góp vào tỷ trọng GDP, trong khi mục tiêu về tổng số doanh nghiệp cần phấn đấu thêm.
Thủ tướng cũng cho biết hiện có tới 98% doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, gần 70% doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, kỹ năng quản trị còn hạn chế, năng suất thấp hơn khu vực doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Nhà nước. Tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI toàn quốc còn thấp, chỉ khoảng 21%. Chưa có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Năm 2024, tỷ lệ doanh nghiệp đang hoạt động của Việt Nam cũng chỉ khoảng 10 doanh nghiệp/1.000 dân, thấp hơn so với các nước trong khu vực như Hàn Quốc là 140 doanh nghiệp; Singapore là 110 doanh nghiệp; Thái Lan là 42 doanh nghiệp; Nhật Bản có 32 doanh nghiệp và Malaysia có 28 doanh nghiệp/1.000 dân.
Bên cạnh đó, tốc độ doanh nghiệp rút khỏi thị trường cũng có xu hướng tăng, phản ánh khó khăn, biến động bất lợi của thị trường quốc tế, trong nước.
Đáng chú ý, Thủ tướng cho biết việc tiếp cận nguồn lực của các doanh nghiệp tư nhân còn nhiều khó khăn về tài chính, tín dụng và đất đai, nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghệ cao… đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trong đó, dù chiếm tới 98% tổng số doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ mới chỉ tiếp cận được chưa tới 20% tổng dư nợ tín dụng. Các doanh nghiệp này cũng chiếm chưa tới 10% tổng vốn hóa thị trường chứng khoán.
Thủ tướng cũng chỉ ra việc kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với nhau, doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI còn hạn chế; hiện chỉ có 18% doanh nghiệp trong nước có kết nối chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó nhóm doanh nghiệp lớn chiếm 62%, còn lại là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Một bộ phận doanh nghiệp, doanh nhân cũng chưa nghiêm túc tuân thủ pháp luật, thông tin chưa minh bạch, thiếu tầm nhìn chiến lược, đạo đức kinh doanh còn hạn chế, cạnh tranh thiếu lành mạnh, sản xuất hàng giả, hàng nhái, vi phạm hợp đồng vẫn xảy ra.
“Khu vực doanh nghiệp tư nhân có lúc, có nơi vẫn găm hàng, đội giá, thao túng thị trường; có trường hợp câu kết với cá nhân, tập thể của Nhà nước để tiêu cực, tham ô, tham nhũng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra nguyên nhân lớn nhất của những hạn chế này là việc chúng ta là nước đang phát triển, có nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, sức chống chịu chưa cao từ các cú sốc bên ngoài, tình hình thiên tai, hạn hán, lũ lụt diễn biến phức tạp… Các điều kiện này tạo ra hệ sinh thái chưa tốt cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cũng có vấn đề về nhận thức, chưa thực sự cởi mở với kinh tế tư nhân.
Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh thể chế vẫn là “điểm nghẽn của điểm nghẽn” cản trở phát triển của kinh tế tư nhân, cũng là điểm nghẽn chung của đất nước, thủ tục hành chính còn nhiều vướng mắc, rườm rà, cơ chế giải quyết thủ tục hành chính cho khu vực tư nhân còn chưa thuận lợi…
Ngoài ra, năng lực nội tại của kinh tế tư nhân còn hạn chế, nhất là về vốn, quản trị, ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng mô hình kinh doanh mới, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn còn gặp khó khăn; tư duy nhận thức của một bộ phận cán bộ công chức còn mang nặng tính xin cho, thiếu trách nhiệm, nhũng nhiễu gây khó khăn cho doanh nghiệp…
“Tóm lại, phát triển kinh tế tư nhân vẫn còn nhiều khó khăn, vì cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan là chính, từ vấn đề nhận thức đến định hướng, tổ chức thực hiện, quản lý Nhà nước… Do đó, dù chúng ta có nhiều cố gắng nhưng kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với mong muốn phát triển kinh tế tư nhân”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.