TỔNG THUẬT: Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 4 Ban chỉ đạo Trung ương về xóa nhà tạm, nhà dột nát

11/05/2025 12:07

Sáng 11/5 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, chủ trì Phiên họp lần thứ 4 của Ban Chỉ đạo.

TỔNG THUẬT: Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 4 Ban chỉ đạo Trung ương về xóa nhà tạm, nhà dột nát- Ảnh 1.

Phiên họp thứ 4 Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước diễn ra sáng 11/5 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng dự Phiên họp có Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.

Phiên họp được kết nối trực tuyến đến trụ sở Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Cả nước đã xóa được gần 209.000 nhà tạm, dột nát

TỔNG THUẬT: Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 4 Ban chỉ đạo Trung ương về xóa nhà tạm, nhà dột nát- Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc phiên họp lần thứ 4 Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết việc xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước cho nhân dân là công việc rất nhân văn, ý nghĩa, được triển khai rất tích cực với tinh thần, phương châm chỉ đạo "ai có gì giúp nấy, ai có công giúp công, ai có của giúp của, ai có nhiều giúp nhiều, ai có ít giúp ít".

Tại phiên họp thứ ba (ngày 10/3/2025), Ban Chỉ đạo đã tiếp tục thống nhất phương hướng, cách thức thực hiện và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, các bộ, cơ quan, địa phương với tinh thần "Chỉ bàn làm, không bàn lùi; quyết tâm đến ngày 31/10/2025 cơ bản hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước".

Sau phiên họp thứ ba, chúng ta tiếp tục triển khai thực hiện rất nhiều việc. Về cơ bản, đã ban hành đầy đủ hệ thống văn bản theo thẩm quyền để đẩy mạnh triển khai chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước; đặc biệt là các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, giải quyết khó khăn, vướng mắc, trả lời kiến nghị của các địa phương.

Căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tại Thông báo số 158/TB-VPCP, đến nay các cơ quan Trung ương và địa phương đã hoàn thành 18/27 nhiệm vụ, đang triển khai 09/27 nhiệm vụ.

Từ khi phát động đến nay, cả nước đã xóa được gần 209.000 nhà (trong đó: khánh thành và bàn giao 111.000 nhà; khởi công 98.000 nhà), đạt khoảng 77% trên tổng số nhu cầu. Từ Phiên họp thứ ba đến nay tăng gần 87.000 nhà được khởi công, khánh thành, bình quân tăng 26 nhà/địa phương/ngày.

Cùng với nỗ lực của những người được hỗ trợ; sự giúp đỡ tự nguyện, vô tư của cộng đồng, bà con, làng xóm, người thân, họ hàng, đoàn thể; lãnh đạo các địa phương, các bộ ngành vào cuộc rất tích cực, hăng hái; nhiều ngôi nhà được xây dựng với giá trị cao hơn nhiều so với kinh phí được Nhà nước hỗ trợ.

Đây là kết quả rất đáng khích lệ trong bối cảnh các cấp, các ngành, các địa phương đang phải thực hiện đồng thời các nhiệm vụ, nhất là sắp xếp tổ chức bộ máy, xây dựng chính quyền địa phương 02 cấp; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt 8% trở lên trong điều kiện còn nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, nhiệm vụ từ nay đến ngày 31/10/2025 vẫn còn rất nặng nề (còn khoảng 61.800 nhà tạm, nhà dột nát) do liên quan đến nhiều bộ, cơ quan, địa phương, phạm vi triển khai rộng, trong khi thời gian còn lại không nhiều (khoảng 170 ngày). Bình quân mỗi ngày phải hoàn thành khoảng 364 căn trên cả nước; bình quân mỗi địa phương phải hoàn thành 08 căn/ngày.

Vì vậy, yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương nỗ lực cao hơn, quyết tâm lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, đúng trọng tâm, trọng điểm hơn để thực hiện thắng lợi mục tiêu của Chương trình.

TỔNG THUẬT: Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 4 Ban chỉ đạo Trung ương về xóa nhà tạm, nhà dột nát- Ảnh 3.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá thực trạng tình hình kết quả triển khai Chương trình; tiếp tục làm rõ những khó khăn, vướng mắc, thách thức trong triển khai Chương trình; giải đáp đề xuất, kiến nghị tháo gỡ khó khăn liên quan - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại Phiên họp, Thủ tướng đề nghị các đại biểu trao đổi, thảo luận với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, trong đó tập trung đánh giá thực trạng tình hình kết quả triển khai Chương trình tại các bộ, cơ quan, địa phương; tiếp tục làm rõ những khó khăn, vướng mắc, thách thức trong triển khai Chương trình (về thủ tục, quy trình thực hiện; cách thức phân bổ kinh phí hỗ trợ; bố trí đất ở; vấn đề nhân lực, vận chuyển vật liệu; sử dụng nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2024....).

Cùng với đó, giải đáp đề xuất, kiến nghị của địa phương, tháo gỡ khó khăn liên quan đến kinh phí hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ và 02 chương trình mục tiêu quốc gia; các bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành, phân bổ và huy động nguồn lực theo tinh thần "6 rõ: rõ người, rõ việc, rõ kết quả, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm"; các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá để giữ đà, giữ nhịp, giữ khí thế, giữ tiến độ trong việc triển khai Phong trào; những mặt được thì phát huy, nhân rộng, cái gì chưa được thì rút kinh nghiệm, điều chỉnh.

Nhiều kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả tại địa phương

Tại Phiên họp, đại diện một số địa phương đã hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm trong triển khai nhiệm vụ, kế hoạch đặt ra.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng: Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Thái Nguyên đã rà soát và hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát đạt 100% so với kế hoạch đề ra. Trong đó có những hộ gia đình đã huy động từ nguồn hỗ trợ của tỉnh, các tổ chức xã hội, gia đình, dòng họ…; có những căn nhà được xây dựng với kinh phí lớn.

Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thái Nguyên đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát đạt 100%. Tỉnh cũng có sáng kiến trong quá trình tổ chức thực hiện. Một là giao các đồng chí tỉnh ủy viên tổ chức kiểm tra, rà soát, ghi nhận tất cả các trường hợp trước khi hỗ trợ, xác định về thời gian, tiến độ, cập nhật thường xuyên tiến độ, khi hoàn thành thì lập biên bản nghiệm thu, bàn giao sử dụng.

Trong quá trình triển khai thực hiện, các hộ nghèo, hộ cận nghèo do nhận thức, không xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sau khi rà soát, chúng tôi đã cấp quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, xuất hiện tình trạng, các hộ nghèo, cận nghèo, chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số, khi có xây nhà mới ở có giá trị và giấy chứng nhận thì có ý định, và có hộ đã làm, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà cho người khác. Điều này dễ dẫn đến tình trạng tái nghèo. Tỉnh đã lường trước và đã chỉ đạo rà soát, nắm tình hình, động viên, tuyên truyền, giáo dục cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo.

Một việc nữa là nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh nhiều con nên rất dễ tái nghèo. Tỉnh đang rà soát và yêu cầu các tổ chức chính trị xã hội cùng vào cuộc để vận động, tuyên truyền, giúp các hộ này không tái nghèo do việc sinh nhiều con gây nên.

TỔNG THUẬT: Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 4 Ban chỉ đạo Trung ương về xóa nhà tạm, nhà dột nát- Ảnh 4.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Tôn Ngọc Hạnh chia sẻ cách làm sáng tạo thực hiện xây dựng nhà tiền chế trên đất còn vướng mắc để người nghèo, hộ khó khăn có nhà ở - Ảnh chụp màn hình: VGP

Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Tôn Ngọc Hạnh: Bình Phước đã hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Sau khi Thủ tướng phát động chương trình này, Bình Phước đã phát động phong trào thi đua 200 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Chương trình này tỉnh Bình Phước đã thực hiện từ năm 2018. Số căn nhà còn phải thực hiện là khoảng hơn 800 căn và tỉnh đã hoàn thành trong đợt 30/4 vừa qua. Số nhà còn lại không nhiều nhưng những vấn đề vướng mắc liên quan rất nhiều, chủ yếu là vấn đề đất đai. Cũng như những địa phương khác, người dân sống trong những căn nhà này không có sổ đất, nguồn gốc đất là đất ở nhờ, đất lâm phần, đất trùng với quy hoạch khoáng sản bauxite. Do đó trước đây không thể xây dựng được. Lần này chúng tôi phải cố gắng nhiều, thực hiện đồng bộ các giải pháp để giải quyết. Trước những khó khăn, vướng mắc này, tỉnh Bình Phước đã đề ra các giải pháp, cụ thể:

Thứ nhất, vận động người thân tặng đất, làm giấy tờ, làm số đất cho các hộ dân sống nhờ người thân.

Thứ hai, vận động doanh nghiệp tặng, cho đất các hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh Bình Phước (Có khoảng 40 căn nhà do doanh nghiệp tặng, chiếm khoảng 5%. Từ đó làm sổ đất cho người dân xây dựng nhà, mỗi sổ đất được khoảng 200m2, tách sổ riêng cho từng hộ). Đây cũng điểm giúp Bình Phước hoàn thành kế hoạch còn lại. Số còn lại là người dân sống trên đất lâm phần và sống trong khu vực đất chồng lấn với quy hoạch khoáng sản bauxite. Bình Phước xin ý kiến Ban Chỉ đạo và Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm nhà tiền chế cho người dân ở trên phần đất này và song song thực hiện các thủ tục tiếp theo theo chủ trương chung của Chính phủ. Nếu chưa cấp sổ ngay được, thì tỉnh làm nhà tiền chế và có yêu cầu các hộ ký biên bản không khiếu kiện về sau và yêu cầu tháo dỡ, khi di chuyển phải di chuyển tất cả. Các thành viên đều động thuận và ủng hộ có nhà mới để ở. Sau đó, chính quyền địa phương tiếp tục thực hiện các thủ tục tiếp theo chính quy, chính thống cho các hộ dân. Nếu không thực hiện bằng cách xây dựng nhà tiền chế cho các hộ dân ở phần đất này thì không thể hoàn thành số lượng nhà còn lại với khoảng hơn 90 căn trong phần đất quy hoạch bauxite.

Bình Phước có 4 bài học kinh nghiệm về việc thực hiện chương trình này như sau:

Thứ nhất là quyết tâm chính trị cao gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Bình Phước gắn trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ này để Bí thư cấp ủy, Chủ tịch các huyện, thị phải chịu trách nhiệm với Tỉnh ủy, Trung ương về tất các công việc rà soát, xây dựng nhà trên địa bàn. Kể cả rà soát số liệu sai không bảo đảm, không rà soát kỹ như đối tượng sai thì Bí thư, Chủ tịch phải chịu trách nhiệm. Nếu đề xuất thiếu thì tự vận động, tự xã hội hóa để thực hiện.

Thứ hai là công tác chỉ đạo quyết liệt, đeo bám công việc, thành lập các tổ công tác, phân công công việc rõ ràng, phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên trong Ban Chỉ đạo. Tuân thủ các chế độ báo cáo công việc hằng tuần, đặc biệt vai trò của Mặt trận Tổ quốc ở cấp cơ sở kiểm tra, giám sát chặt chẽ, thường xuyên, liên tục đối với từng hộ gia đình, từng căn nhà ở cơ sở. Do đó đã triển khai được công việc bảo đảm tiến độ. Bên cạnh đó là sự tận tâm, tận tụy trự,c tiếp gần dân, hiểu dân và chịu trách nhiệm trực tiếp từng vụ việc cụ thể, tránh việc khiếu kiện, khiếu nại.

Thứ ba là sự sáng tạo linh hoạt trong cách làm, căn cứ theo chủ trương của Trung ương về tiếp tục tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho người dân, đặc biệt trong việc thực hiện xây dựng nhà tiền chế trên đất quy hoạch bauxite sau đó giải quyết song song các thủ tục tiếp theo.

Thứ tư là thực hiện công tác xã hội hóa, vận động các doanh nghiệp hỗ trợ quỹ đất cũng như các nhà tài trợ về đất, tiền để xây dựng nhà. Mức hỗ trợ của Bình Phước đối với người có công khoảng 100 triệu đồng/căn; bình thường các nhà khác là 80 triệu đồng/căn; nhà sửa chữa là 40 triệu đồng/căn. Bên cạnh đó, huy động các ban, ngành, đoàn thể đóng góp ngày công lao động để có các căn nhà khang trang, sạch đẹp hơn.

Bình Phước sẽ tổng kết chương trình này vào ngày 16/5; tiếp tục thực hiện các thủ tục tiếp theo; rà soát các gia đình, hộ có công từ nay đến cuối năm và những năm sắp tới được tốt hơn nhằm nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

TỔNG THUẬT: Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 4 Ban chỉ đạo Trung ương về xóa nhà tạm, nhà dột nát- Ảnh 5.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời chia sẻ kinh nghiệm thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trển địa bàn - Ảnh chụp qua màn hình: VGP

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời: Qua chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương, tỉnh đã tập trung thực hiện, với quyết tâm phấn đấu đến 30/4 hoàn thành kế hoạch đề ra. Thực hiện đúng kế hoạch này, tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức tổng kết vào trước 30/4, đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cụ thể, tỉnh đã xây dựng 1.328 căn nhà, bao gồm 492 căn nhà xây dựng mới, còn lại là các nhà được sửa chữa. Nhà dành cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ là 497 căn, nhà cho hộ nghèo và cận nghèo là 790 căn, hộ dân tộc thiểu số là 41 căn, với số tiền là 86 tỷ đồng.

Tỉnh đã chủ động bố trí khoản kinh phí này, trong đó đối với các gia đình có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ, nguồn kinh phí 22 tỷ đồng tỉnh chủ động tạm ứng trong Quỹ Đền ơn đáp nghĩa. Đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số, tỉnh cũng chủ động thực hiện với các nguồn lực khác để xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Với kết quả thực hiện đó, tỉnh đã tổng kết chương trình, biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể làm tốt. Tỉnh rútra 3 kinh nghiệm:

Thứ nhất, ngay khi có chủ trương của Trung ương, tỉnh khẩn trương triển khai rà soát, lập danh sách các đối tượng thuộc diện được hỗ trợ, như các hộ đặc biệt khó khăn, hộ già neo đơn không có khả năng tự xây nhà, các hộ gặp trở ngại do đặc thù phong tục, tập quán. Tỉnh chủ động khảo sát, lập danh sách và lên kế hoạch giao nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức, đoàn thể, chính quyền địa phương, để sát sao từng trường hợp.

Thứ hai, tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo cả hệ thống chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, cả người dân có tâm huyết với chương trình tham gia ủng hộ. Tỉnh vào cuộc rất quyết liệt, thực hiện theo kế hoạch, đề án. Mặt trận Tổ quốc thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện, để đề nghị Ủy ban hỗ trợ, điều chỉnh kịp thời. Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo để tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận cao của nhân dân.

Thứ ba là sự chủ động, linh hoạt, ví dụ vấn đề ứng kinh phí. Để thực hiện hỗ trợ cho người có công, chúng tôi thực hiện ngay từ đầu. Cách huy động cũng được chú trọng hơn để đa dạng các nguồn lực, kể cả ngày công, góp công, góp sức. Các xã, phường, thị trấn trên địa bàn cũng vào cuộc xử lý các vấn đề như đầu tư, nguyên vật liệu… để bảo đảm kịp thời nguồn vật liệu xây dựng.

Qua thực hiện chương trình, tỉnh Vĩnh Long nhận thấy, sau khi xóa nhà tạm, nhà dột nát, vẫn có những hộ tái nghèo hoặc hộ nghèo phát sinh. Do đó, tỉnh đã chủ động xây dựng chương trình phối hợp tạo sinh kế cho các hộ nghèo, cận nghèo, đặc biệt chú trọng các hộ chưa đủ khả năng tự vươn lên trong lao động sản xuất, nhằm đề phòng nguy cơ tái nghèo sau khi đã được hỗ trợ nhà ở.

Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh Nguyễn Mạnh Hùng: Chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát của Chính phủ có ý nghĩa quan trọng. Đây cũng mục tiêu trọng yếu tỉnh Tây Ninh đặt ra để thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và giải phóng tỉnh Tây Ninh.

Trên cơ sở đó, tỉnh Tây Ninh nghiêm túc thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tỉnh khẩn trương, quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó đã kịp thời thành lập Ban Chỉ đạo của tỉnh về xóa nhà tạm, nhà dột nát, đồng thời chỉ đạo các địa phương thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện, xã để tổ chức rà soát thực trạng, đánh giá các khó khăn, bố trí nguồn lực thực hiện.

Căn cứ vào tình hình thực tế, Tây Ninh đã xây dựng hai đề án trọng tâm: Đề án sửa chữa, xây dựng nhà ở cho các hộ gia đình chính sách và Đề án xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các hộ nghèo, cận nghèo. Tổng kinh phí cần để thực hiện hai đề án này là 58,7 tỷ đồng. Trong đó, Đề án sửa chữa và xây dựng nhà cho gia đình chính sách dự kiến hoàn thành 172 căn nhà, bao gồm xây mới 56 căn, sửa chữa 116 căn với tổng kinh phí 17,1 tỷ đồng. Đối với đề án dành cho các hộ nghèo và cận nghèo, tổng số căn nhà là 113 với tổng kinh phí 41,6 tỷ đồng.

Để đảm bảo đủ nguồn lực, UBND tỉnh đã phát động phong trào Thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn địa bàn tỉnh. Qua lễ phát động, 183 đơn vị đăng ký ủng hộ với số tiền 50,27 tỷ đồng, bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn hỗ trợ vận động khác. Nhờ đó, tỉnh Tây Ninh đã đảm bảo được nguồn lực triển khai thực hiện đầy đủ hai đề án đã đặt ra.

Qua 04 tháng triển khai, đến ngày 25/4/2025, tỉnh Tây Ninh đã hoàn thành cơ bản hai đề án, bàn giao nhà cho các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn toàn tỉnh, lập thành tích chào mừng đại lễ 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, kỷ niệm 50 năm giải phóng Tây Ninh.

Đối với các trường hợp hộ không có đất, tỉnh Tây Ninh chủ động bố trí quỹ đất công, xây dựng các khu dân cư mới được đầu tư hạ tầng đồng bộ, bao gồm hạ tầng giao thông, hệ thống cấp thoát nước, điện, nước sạch và trang thiết bị thiết yếu cho các hộ gia đình.

Theo tiêu chuẩn diện tích của Trung ương, mỗi căn nhà rộng 32m2, nhưng tỉnh Tây Ninh đã nâng diện tích lên 42m2 nhằm đảm bảo điều kiện sinh hoạt tốt hơn cho các hộ dân.

Khi bàn giao nhà, tỉnh còn tặng thêm các thiết bị gồm 01 tivi, 01 quạt điện, 01 nồi cơm điện, 01 bể chứa nước sạch và hệ thống xử lý nước đảm bảo an toàn trong sinh hoạt cho các hộ dân.

Kết quả đạt được là nhờ sự quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, sự phối hợp đồng bộ của các cấp ủy, chính quyền địa phương cùng sự đóng góp tích cực từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.

Trong quá trình triển khai, tỉnh Tây Ninh rút ra một số bài học. Thứ nhất, có sự chủ động xây dựng, phê duyệt đề án ngay khi có chủ trương chỉ đạo từ Trung ương.

Thứ hai là sự đồng thuận, huy động được hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc, phát huy tinh thần trách nhiệm, sự năng động quyết liệt của lãnh đạo chủ chốt các sở, ngành, địa phương trong tổ chức thực hiện đề án.

Thứ ba, tỉnh đã thiết kế mẫu nhà thống nhất trên toàn địa bàn để đảm bảo các bộ phận triển khai thuận lợi.

Thứ tư, chủ động huy động và bố trí nguồn lực tài chính phù hợp cho triển khai từng giai đoạn.

Thứ năm, linh hoạt, kịp thời xử lý các vướng mắc về đất đai, đảm bảo đủ quỹ đất phục vụ xây dựng.

Về phương hướng thời gian tới, tỉnh Tây Ninh tiếp tục rà soát các hộ, các gia đình có nhu cầu cần sửa chữa hoặc xây mới nhà ở mà chưa được hỗ trợ, đồng thời chủ động xây dựng các đề án, huy động các nguồn lực để tiếp tục sửa chữa, xây dựng nhà ở cho những hộ dân gặp khó khăn, nhằm đảm bảo cải thiện đời sống cho nhân dân.

Quyết tâm khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ đúng tiến độ, cam kết

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung: Hưởng ứng phong trào thi đua Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát, Gia Lai xác định đây là một trong những chương trình có ý nghĩa quan trọng. Vì vậy trong thời gian vừa qua, Ban chỉ đạo tỉnh, huyện đã triển khai rất nghiêm túc, quyết liệt các nội dung, kế hoạch đã được xác định.

Qua rà soát, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 8.155 căn nhà cần xây mới, sửa chữa, trong đó xây mới là 6.561 căn, sửa chữa là 1.593 căn. Gia Lai đã tập trung các nguồn lực và triển khai thực hiện trong kế hoạch. Với con số 8.155 căn, số tiền thực hiện trên 441 tỷ đồng, tỉnh đã huy động các nguồn lực. Bộ Công an hỗ trợ cho Gia Lai 231 tỷ đồng, là một trong những đơn vị hỗ trợ lớn nhất.

Đến ngày 08/5/2025, trên địa bàn tỉnh đã khởi công, triển khai 7.004 căn, đạt 85,89% kế hoạch đề ra (theo kế hoạch, đến ngày 30/6 tỉnh phấn đấu đạt 80%). Đây là một nỗ lực rất lớn. Số căn còn lại hiện nay trên địa bàn tỉnh còn 1.151 căn. Theo kế hoạch trước đây, tỉnh xác định đến ngày 30/9/2025 sẽ hoàn thành 100%. Với tiến độ này, Gia Lai cam kết tới ngày 15/9/2025 sẽ hoàn thành.

Về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, tỉnh cơ bản tập trung tháo gỡ những vấn đề như kinh phí, đất đai, cách thức triển khai thực hiện. Trong tổng số nguồn tiền 441 tỷ đồng, bằng các nguồn lực, tỉnh đã bảo đảm được 383 tỷ đồng. Số 58 tỷ đồng còn lại, tỉnh đang tập trung triển khai thực hiện, huy động các cơ quan, đơn vị, các tầng lớp nhân dân, các tổ chức trên địa bàn tỉnh. Việc này tỉnh cam kết sẽ triển khai thực hiện bảo đảm hoàn thành theo kế hoạch đề ra.

Bộ, ngành sẵn sàng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

TỔNG THUẬT: Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 4 Ban chỉ đạo Trung ương về xóa nhà tạm, nhà dột nát- Ảnh 6.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh: Liên quan đến nhà ở cho người có công, thời gian qua, Bộ Xây dựng đã cùng các địa phương rà soát và làm rõ được các yêu cầu cũng như đối tượng, mức hỗ trợ. Trên cơ sở đó, Bộ đã báo cáo Thủ tướng và đề nghị Bộ Tài chính hỗ trợ nguồn tài chính như báo cáo của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung. Bộ Xây dựng cũng đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính tách ra để báo cáo Quốc hội sớm có nguồn để địa phương triển khai chương trình này.

Về đề xuất sửa đổi Thông tư liên quan đến mức hỗ trợ, theo phân công, các nguồn hỗ trợ của Trung ương thì do Trung ương hỗ trợ, nguồn của địa phương do địa phương hướng dẫn, nguồn của Mặt trận Tổ quốc thì do Mặt trận Tổ quốc hướng dẫn. Vừa qua, Bộ Xây dựng được giao hướng dẫn mức hỗ trợ theo Quyết định 90 của Thủ tướng, tức là mức hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đây là nguồn từ ngân sách Trung ương, trên cơ sở đó Bộ đã ban hành Thông tư phù hợp với Quyết định.

Tại Thông tư trên cũng nêu tùy điều kiện, thực tế và khả năng cân đối ngân sách của địa phương, địa phương sẽ quyết định mức hỗ trợ trên ngân sách địa phương để góp phần nâng cao chất lượng nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo từ các nguồn hỗ trợ.Nnhư vậy đã có phần mở ở Thông tư.

Tại Phiên họp thứ nhất, Thủ tướng cũng đã có quyết định mức hỗ trợ đối với Chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo mức xây mới là 60 triệu đồng, sửa chữa là 30 triệu đồng. Nguồn tăng thêm này cũng được xác định là vận động thêm xã hội hóa để bảo đảm nguồn vốn trên.

TỔNG THUẬT: Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 4 Ban chỉ đạo Trung ương về xóa nhà tạm, nhà dột nát- Ảnh 7.

Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung đề nghị Bộ Xây dựng căn cứ các quy định, có văn bản hướng dẫn cho các địa phương chủ động điều chỉnh trong tổng số nguồn kinh phí của 3 chương trình - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung: Đối với nhà ở cho người có công thì không vướng, chỉ vướng là chưa có nguồn tiền, và chủ trương cho phép ứng tiền không? Việc này Thủ tướng Chính phủ sẽ kết luận.

Về mức cho người có công thì được xác định rõ rồi, nhà ở xã hội thì Thủ tướng cũng đã có kết luận. Hiện các địa phương đang thực hiện mức 60 cho xây mới và 30 triệu cho sửa chữa.

Nghị quyết 111 và 88 của Quốc hội đã cho phép tất cả 3 chương trình này có thể điều chỉnh từ nguồn này sang nguồn khác, từ công việc này sang công việc khác. Thủ tướng cũng đã có quyết định 90. Tôi đề nghị Bộ Xây dựng căn cứ các quy định, có văn bản hướng dẫn cho các địa phương chủ động điều chỉnh trong tổng số nguồn kinh phí của 3 chương trình thì các địa phương sẽ làm được.

Tiếp tục cập nhật...

Bạn đang đọc bài viết "TỔNG THUẬT: Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 4 Ban chỉ đạo Trung ương về xóa nhà tạm, nhà dột nát" tại chuyên mục BẤT ĐỘNG SẢN. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về địa chỉ email: phutrachnoidung@gmail.com hoặc liên hệ hotline: 0903 78 12 09.